00:00 Số lượt truy cập: 2999810

Bình Thuận: Mô hình chăn nuôi heo theo hình thức nhỏ lẻ mang lại hiệu quả kinh tế 

Được đăng : 03/11/2016

Dịch bệnh, giá cả thức ăn và đầu ra cho thương phẩm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đối với người chăn nuôi. Hiện nay, việc chọn mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là hướng đi của không ít hộ gia đình ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Bởi vì mô hình này đơn giản, không đòi hỏi vốn lớn và đặc biệt là tính rủi ro thấp.


Xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận hiện có tổng đàn heo khoảng hơn 4.000 con. Trong đó phần lớn là của các trang trại do tư nhân tỉnh ngoài vào đây đầu tư xây dựng và chăn nuôi. Trong thời gian qua, dịch heo tai xanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi của bà con, nhiều hộ dân đã bỏ chuồng không. Một phần vì không còn vốn, phần vì sợ dịch bệnh quay trở lại. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân của xã đã nuôi heo trở lại theo mô hình nhỏ lẻ. Qua trao đổi với ông Phan Ánh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã chúng tôi được biết, việc áp dụng các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu gia đình hiện nay đang được nhiều người dân triển khai, bước đầu có nguồn thu nhập kinh tế ổn định. Điển hình là gia đình ông Lê Tấn Dũng, ở thôn 2, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Trước đây, gia đình ông Dũng đầu tư chăn nuôi heo theo hướng quy mô lớn, lãi tương đối khá, nhưng sau đó do dịch bệnh tai xanh xuất hiện, đầu ra thương phẩm bấp bênh, giá thức ăn công nghiệp lại tăng cao đã làm cho việc chăn nuôi bị ngưng lại, liên tiếp thua lỗ. Đầu năm 2011, ông chuyển sang nuôi heo nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình với nguồn vốn tự có. Sau 9 tháng triển khai thực hiện mô hình trên diện tích chuồng khoảng 30 m2. Qua hạch toán kinh tế từ mô hình, ông Dũng cho biết với 2 con nái cung cấp con giống để nuôi heo siêu thịt, trung bình gần 5 tháng ông suất heo thương phẩm một lần, bước đầu có lãi. Gia đình ông vừa bán 20 con heo, sau khi trừ chi phí, thời gian nuôi 4 tháng gia đình còn thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Dũng áp dụng mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà nhiều người dân khác ở địa phương cũng đã áp dụng thành công mô hình này.

Phải nói rằng, cái lợi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ này mang lại là không đòi hỏi vốn nhiều, tiết kiệm được chi phí, xây dựng chuồng trại thuận lợi trên diện tích nhỏ, đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, tránh được rủi ro dịch bệnh, dễ áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững, góp ổn định đời sống.