00:00 Số lượt truy cập: 3064233

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc: Phát triển thuỷ sản phải theo hướng bền vững 

Được đăng : 03/11/2016

Từ cuối năm 2006 tới nay, Cơ quan Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản đã liên tục cảnh báo sản phẩm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có nhiễm dư lượng kháng sinh cấm và chuyển qua chế độ kiểm tra 100% tôm xuất khẩu của Việt Nam trước khi vào thị trường này. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình này kéo dài, có thể dẫn tới khả năng Nhật Bản cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho biết:


Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1, 5 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản lên tới 550 triệu USD. Điều đó cho thấy, đây là thị trường lớn và tiềm năng. Trong khi đó, lượng tôm cung cấp cho các nhà máy chế biến lại từ hàng chục vạn hộ nông dân, sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Mối quan hệ thương mại giữa nhà máy chế biến với đại lý gom nguyên liệu và nông dân vẫn thô sơ, lạc hậu. Nhà máy không đủ khả năng kiểm soát nhà cung cấp nguyên liệu cũng như chất lượng đầu vào của sản phẩm. Nhưng quan hệ giữa nhà xuất khẩu với nhà nhập khẩu tôm ở Nhật Bản lại là quan hệ thương mại quốc tế hiện đại với sản lượng lớn, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai mối quan hệ này mâu thuẫn nhau như hai thái cực trái ngược nhau, đó là nguyên nhân dẫn tới cảnh báo trên.

Giải pháp của Bộ trước thực trạng này là gì, thưa ông?

Dư lượng kháng sinh có ở nhiều khâu nhưng chính là khâu đầu vào, từ nuôi trồng của nông dân cho tới sơ chế ở đại lý. Chẳng hạn trong khâu sơ chế, thời gian qua, địa phương nào kiểm tra nghiêm ngặt cơ sở sơ chế thì nhà máy chế biến tôm ở địa phương đó không còn thấy xuất hiện dư lượng kháng sinh.

Phải thừa nhận một điều là quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ta kém ở tất cả các ngành chứ không riêng gì thuỷ sản. Nhiều người cứ đổ thừa cho nông dân nhưng như vậy là hoàn toàn không chính xác. Tôm nuôi dễ bị bệnh, mà bệnh thì phải chữa, không lẽ nông dân cứ đứng nhìn hồ tôm của mình chết để giữ không bị nhiễm dư lượng kháng sinh. Thị trường thuốc thú y lại bát nháo, rất dễ cho nông dân có cơ hội sử dụng thuốc cấm. Rồi thức ăn, con giống, quy hoạch thuỷ lợi, nguồn nước, nói chung rất nhiều thứ để tôm có thể bị bệnh và nông dân có thể dùng thuốc cấm, nên chỉ một mình ngành thuỷ sản giải quyết vấn đề dư lượng kháng sinh thì không đủ mà đòi hỏi cả cộng đồng phải có ý thức chung về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ người bán con giống, nhà sản xuất thuốc, cung cấp thức ăn, nông dân, nhà máy chế biến.


Trong một thập kỷ qua, ngành thuỷ sản phát triển mạnh mẽ và gần như dẫn đầu trong các ngành kinh tế về hội nhập quốc tế. Là người đã gắn bó với ngành trong 11 năm qua, ông ấn tượng nhất về điều gì?

ấn tượng nhất của tôi về ngành là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu, vượt 1 tỷ USD vào năm 2000, 2 tỷ USD năm 2002 và năm 2006 đạt trên 3 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thuỷ sản nằm trong tốp 10 thế giới.

ấn tượng thứ hai là phát triển nội lực nhanh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trong khâu đánh bắt, từ đội tàu có tổng công suất 1, 2 triệu mã lực cách đây 10 năm, nay đã là 5 triệu mã lực. Nuôi trồng thì năm 2000 mới có 600.000ha, nay đã tăng lên 1 triệu hécta. Còn trong khâu chế biến, từ vài chục doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, nay đã có hàng trăm doanh nghiệp với các trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, sự bùng nổ phát triển nuôi trồng kéo theo tính tự phát quá cao, trong khi quy hoạch của cơ quan quản lý lại yếu, thiếu hạ tầng sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật chạy theo không kịp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh, thiệt hại cho nông dân do mất mùa, rồi dùng kháng sinh cấm và nhiều hệ luỵ khác.

ấn tượng thứ ba là ngành thuỷ sản hội nhập rất nhanh với thế giới hay nói đúng hơn, thuỷ sản đi trước sự hội nhập của đất nước, đồng thời giải quyết những vấn đề hóc búa của ngành thương mại như các vụ kiện chống bán phá giá cá, tôm ngay khi Việt Nam chưa là thành viên của WTO. Và cũng nhờ đi trước, mình mới nhận thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về dư lượng kháng sinh của nước ngoài, đây cũng là bài học cho các ngành khác.

Trong thời gian tới, phát triển ngành thuỷ sản phải nhắm tới yếu tố bền vững trong xuất khẩu, nuôi trồng, môi trường và cả yếu tố xã hội là con người, an toàn cho người sản xuất. Thuỷ sản là ngành dựa vào nguồn tài nguyên tái tạo, nếu vượt quá giới hạn thì phải trả giá. Nhiều nước đã gánh chịu hậu quả này, ta chưa tới mức đó nhưng nếu không thay đổi cách làm thì e rằng quá muộn.

Cảm ơn Bộ trưởng!