"Nếu không dập tắt sớm, dịch còn lan ra nhiều tỉnh nữa" - Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sáng 15/7 tại huyện Thăng Bình.
Bộ trưởng tỏ thái độ hết sức lo ngại khi hàng trăm xác heo chết vì dịch bị ném xuống sông Trường Giang, gây ô nhiễm nguồn nước và nguy cơ phát tán dịch bệnh trên diện rộng.
Theo Bộ trưởng, tình hình dịch bệnh trên đàn heo tại Quảng Nam diễn biến quá nhanh và nghiêm trọng (đây là tỉnh thứ 6 của cả nước bùng phát loại dịch bệnh này).
Báo cáo với bộ trưởng Cao Đức Phát sáng qua ngay tại hiện trường, ông Võ Văn Cường - Phó GĐ Sở NN&PTNT nhận định: Nguồn bệnh rất nhiều khả năng mang từ nơi khác đến, qua chợ heo Quế Sơn, phát tán nguồn bệnh qua vận chuyển, hoặc qua kênh mương đổ xuống các xã vùng đông của huyện Thăng Bình, ngay chợ heo Bà Rén là điểm trung chuyển heo lớn nhất miền trung, tiếp nhận mỗi ngày hàng nghìn con heo các loại chở đi các nơi.
Các hộ dân sống ở ven sông, kênh này cho biết, cách đây hơn 3 tuần, toàn bộ heo của các hộ dân dọc các kênh mương cạnh chợ Bà Rén đã chết hàng loạt không rõ nguyên nhân…
Trong khi địa phương và các ngành đang tập trung tổ chức chống dịch, tiêu hủy heo chết thì tại các địa phương, do tâm lý tiếc của và vớt vát một phần vốn, nhiều hộ dân mổ heo chết đem bán tại các chợ nhiều ngày qua.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắng phê bình chính quyền địa phương: “Quảng Nam phát hiện và công bố dịch bệnh quá chậm (sau 20 ngày phát hiện có dịch).
Việc khống chế dịch chưa đạt hiệu quả cao, nhất là hệ thống thú y cơ sở chưa thực sự làm hết mình. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa được khuyến cáo phải làm gì để góp phần phòng chống dịch, nhất là kiến thức về dịch bệnh, các phương pháp điều trị khi đàn heo mắc bệnh".
Bộ trưởng tỏ ra lo lắng: “Hàng trăm con heo chết bị thả trôi trên sông sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi
trường không nhỏ nếu địa phương không triển khai các biện pháp mạnh. Nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.
Theo Bộ trưởng Phát: Trước hết, cần khẳng định với người chăn nuôi, có thể chữa lành bệnh tai xanh trên heo. Người dân và cán bộ thú y thôn, xã cần được trang bị ngay các kiến thức về phòng chống dịch bằng việc cấp phát tờ rơi và tổ chức tuyên truyền sâu rộng phương pháp đề phòng và điều trị.
Đối với những vùng chưa phát sinh dịch bệnh, chính quyền cần giám sát khoanh vùng thật tốt, không cho dịch bệnh lây lan. Đối với đàn heo bệnh không thể chữa được cần vận động người dân tiêu hủy càng sớm càng tốt; tăng cường công tác chốt chặn không để mang heo bệnh ra ngoài vùng dịch…
Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng heo mắc dịch và chết do bệnh tai xanh đã vượt quá con số hơn 20.000 con tại 36 huyện, thị trong tỉnh. Một con số đáng báo động nếu quan tâm về tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp của cơn dịch.
Tuy nhiên, chọn giải pháp tiêu hủy hoàn toàn đàn heo bệnh (hơn 20.000 con) không hề đơn giản, nhất là việc tìm nơi chôn, hủy, khoanh vùng dập dịch.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Quảng Nam triển khai mọi biện pháp đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều điều kiện (kinh phí, phương tiện…) để Quảng Nam chống dịch heo tai xanh. Trước mắt, với những hộ có heo bệnh và chết buộc phải tiêu hủy đúng qui định. Cục Thú y sẽ hỗ trợ Quảng Nam 250 nghìn liều vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia súc trong những ngày tới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt UBND tỉnh sẽ chi hỗ trợ 10 ngàn đồng/kg heo thịt, tiếp tục phân phát thuốc điều trị theo phát đồ, hóa chất phun, diệt trùng…