Để cà phê Sơn La trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế tương xứng với tiềm năng cần có sự đột phá. Những yếu kém của cà phê Sơn La được thể hiện ở ngay cả vùng cà phê được coi là mô hình mẫu là Chiềng Ban, nơi chiếm tới gần 1/4 diện tích cà phê toàn tỉnh. Với 725 ha, chiếm 60% diện tích đất nông nghiệp, Chiềng Ban là vùng cà phê lớn nhất Sơn La. Tuy vậy, theo ông Phạm Văn Khánh - Chủ tịch xã Chiềng Ban, chế biến nhỏ và thủ công đã làm giảm giá trị kinh tế của cà phê.
Chế biến không phải là điểm yếu duy nhất của cà phê Sơn La. Canh tác bất hợp lý, tre nứa xen lẫn cà phê, trồng mật độ quá dày, lạm dụng phân vô cơ nên cà phê xanh tốt nhưng ít quả và gây ô nhiễm môi trường. Theo ghi nhận, chất lượng cà phê Sơn La đang có xu hướng giảm. Đây cũng lý giải tại sao năng suất cà phê ở Sơn La rất thấp, mới đạt khoảng 13 tấn quả/ha, trong khi ở Đà Lạt có thể lên tới trên 30 tấn quả/ha.
Vì vậy, dù rất tiềm năng nhưng cà phê Sơn La hiện được biết ở rất ít thị trường quốc tế. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn - chuyên gia cao cấp của Vicofa - Sơn La có vị trí địa lý tương đương với vùng cà phê danh tiếng Minas Gerais của Brazil. Ngoài ra, hương vị cà phê Sơn La rất được khách hàng Mỹ ưa thích.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Cục phó Cục chế biến nông sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT)- vấn đề đặt ra với Sơn La là khai thác được tiềm năng về cà phê theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, hướng vào phân khúc có lợi nhuận cao của thị trường cà phê thế giới. Chiến lược đó cần một sự đột phá về công nghệ chế biến và thay đổi tập quán canh tác.
Điều đáng mừng là yếu kém về chế biến cà phê ở Sơn La sẽ sớm được khắc phục vì mới đây, một nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu hiện đại đã được khởi công xây dựng tại đây. Nhà máy do Tập đoàn Thái Hòa đầu tư có công suất 30.000 tấn cà phê nhân/năm, có thể đáp ứng đủ nhu cầu chế biến không chỉ cho Sơn La mà cả vùng Tây Bắc. Tổng giá trị đầu tư 80 tỷ đồng, nhà máy sử dụng công nghệ chế biến ướt do Tập đoàn số 1 thế giới về thiết bị chế biến cà phê tươi Pinhanense (Brazil) cung cấp. Ông Nguyễn Văn An - Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa khẳng định: "Những vấn đề về chất lượng và ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến cà phê Sơn La sẽ được giải quyết triệt để".
Ông Cầm Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - nói: "Sơn La chủ trương phát triển cà phê phải gắn với chế biến sâu. Do đó, việc có một nhà máy hiện đại sẽ tạo bước ngoặt cho cà phê Sơn La". Tập đoàn Thái Hòa cam kết, nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động ngay trong niên vụ 2009-2010, bắt đầu từ tháng 9 tới.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là hình thành được liên minh giữa DN và người nông dân trồng cà phê, như vậy mới gắn hai thực thể này vào một chuỗi sản xuất và lợi ích chung, tạo chuyển biến thực sự. Người trồng cà phê hiện rất yếu về khâu chế biến và khả năng nắm bắt thị trường do đó cần liên kết với DN, nhưng phải là mối liên kết thực sự, không chỉ mua bán đơn thuần, chia sẻ lợi ích và minh bạch thông tin giá cả. Ông Nguyễn Văn An nói: "Bên cạnh nhà máy hiện đại, chúng tôi sẽ xây dựng mối liên kết với người trồng cà phê như những đối tác thực sự"
Ông Phạm Văn Khánh cũng cho rằng, nhà máy chế biến hiện đại nhưng phải đi kèm với chính sách thu mua hợp lý mới tạo ra hiệu ứng tốt cho sản xuất cà phê. Tại lễ động thổ, Tập đoàn Thái Hòa cũng công bố chính sách bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường nhưng ấn định giá sàn nếu giá cà phê xuống thấp, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người trồng cà phê. Ông Joao Brandao - Đại diện tập đoàn Pinhanense tại Việt Nam nói: "Có tầm nhìn và chiến lược tốt, cà phê Sơn La có thể lên ngang tầm với cà phê của Brazil".