Lúa ưu thế lai (gọi tắt lúa lai) là một trong những tiến bộ của khoa học công nghệ lĩnh vực di truyền chọn giống được ứng dụng thành công ở Trung Quốc từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi đã được mở rộng ra hàng vài triệu ha ở quốc gia hơn 1 tỷ dân này lúa lai đã làm nên một cuộc cách mạng xanh vĩ đại, nó đã giải quyết cơ bản vấn đề lương thực cho đất nước đông dân nhất thế giới, và tiến bộ kỹ thuật này nhanh chóng được phổ biến ra châu Á.
Lúa lai Trung Quốc vào Việt Nam từ khoảng năm 1992, sau thế hệ lúa thuần đầu tiên được nhập về qua con đường giao thương tiểu ngạch khi quan hệ Việt - Trung ấm dần và trở lại bình thường, khi đó lúa thuần Trung Quốc với các giống như: Tặc sếnh, Chiêm đen, Chăm coong dáu… cũng đã tạo nên sự ngỡ ngàng về dạng hình và năng suất đối với phần lớn nông dân trồng lúa ở miền Bắc.
Lúa ưu thế lai mở đầu bằng giống lúa lai 3 dòng nhóm Boyou là Boyou 64, phản ứng nhẹ với ánh sáng ngày ngắn và chủ yếu chỉ gieo cấy được ở vụ mùa. Boyou 64 được gọi theo phiên âm Hán việt là Bác ưu 64. Bác ưu 64 gieo cấy vụ mùa đầu tiên ở Thái Bình năm 1992 với chỉ hơn 80kg giống được mua từ Quảng Ninh, vụ đó Bác ưu 64 trên đất thâm canh xã Nguyên Xá - Đông Hưng đã đạt năng suất 280kg/sào Bắc bộ, tương đương 7,75 tấn/ha (năng suất những năm đó cả năm khoảng trên 9 tấn/ha cho 2 vụ).
Thăm và đánh giá ruộng lúa lai Bác ưu 64 hồi đó một số người còn cầm chắc đạt trên 350kg/sào. Vụ đầu rồi vụ thứ hai, lúa lai 3 dòng nhóm này hoàn toàn thuyết phục không chỉ cán bộ mà cả nông dân. Sau đó thì một dự án và chương trình đầu tư cho việc nghiên cứu sản xuất và nhập nội, mở rộng sản xuất lúa lai thương phẩm được phê duyệt.
Cùng với lúa thuần (inbred) thế hệ 2, lúa lai với một loạt tổ hợp cũng đã được nhập nội và đưa ra sử dụng, lúa lai khi đó chủ yếu là mở rộng diện tích ở vụ mùa, nhiều địa phương với chính sách trợ giá để đưa nhanh tiến bộ này vào sản xuất, hàng chục ngàn tấn giống được nhập qua các cửa khẩu: Tân Thanh, Pò Chài (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai) và cả Quảng Ninh. Nhiều công ty, cá nhân giàu sụ vì chộp được thời cơ này, khi đó lúa lai với tổ hợp Bác ưu 64 sản xuất rất thành công ở Trung Quốc và giá cực rẻ vì năng suất hạt lai cao, dễ làm.
Ở vụ xuân các tổ hợp lai như Shanyou 63 (Tạp giao 1), Shanyou gui 99 (Tạp giao 5)… bắt đầu được đánh giá và mở rộng. Việt Nam với sự tài trợ của FAO cũng bắt đầu tiếp cận và sản xuất hạt lai từ tổ hợp TG1, ban đầu nhập dòng bố mẹ (A và R) rồi nhập dòng duy trì (B) để sản xuất hạt bố mẹ cung cấp cho sản xuất hạt lai đại trà. Tuy nhiên chất lượng và kỹ thuật điều tiết để trùng khớp, kỹ thuật sử dụng GA3 còn nhiều hạn chế, thành ra việc sản xuất hạt lai thời đó cũng chỉ là nghiên cứu để làm quen.
Đến cuối thập niên 90 thì sản xuất hạt lai ở Việt Nam với các tổ hợp nhóm Boyou do dòng mẹ có độ nhạy cảm cao khi nhận phấn, vòi nhụy dài vươn ngoài vỏ trấu, thời gian chênh lệch giữa dòng A và R ngắn đã rất khả quan, năng suất hạt lai F1 thu được đã đạt 2,5- 3 tấn/ha. Riêng sản xuất nhóm hạt lai có dòng mẹ khác Bo thì vẫn rất khó khăn và giá thành cao, năng suất thấp thậm chí nhiều vụ mất ăn do lệch pha bố và mẹ. Hạt giống để triển khai sản xuất đại trà vẫn chủ yếu là nhập từ Trung Quốc.
Thời hoàng kim của lúa lai ở vụ mùa với nhóm này là những năm 1995-1999, nhiều tỉnh, huyện cơ cấu lúa lai lên tới 50-60% diện tích.
Sự chuyển “cực” mùa vụ
Cuối thập niên 90, lúa lai đã bắt đầu chuyển pha từ vụ mùa sang vụ xuân. Lúc này phía Trung Quốc đã cho ra đời hàng trăm tổ hợp ưu thế lai, và bên họ phổ biến là các tổ hợp mới, với quan điểm thay giống chỉ từ 4-5 năm một thế hệ, thành ra những tổ hợp cũ chủ yếu là sản xuất để bán cho Việt Nam.
Thị trường bắt đầu “nhộm nhoạm”, giống cùng bố khác mẹ, cùng mẹ khác bố, tùm lum. Bác ưu 64, Bác ưu 903, Bác ưu 253, Bác ưu 968... đều cùng nguồn mẹ BoA, nhưng các dòng bố khác nhau, nền hạt giống thì giống nhau như đúc, chỉ có hậu kiểm mới biết được nó là gì; Sán ưu 63 (TG1), Sán ưu quế 99, một loạt tổ hợp có mẹ như TG1... cũng tình trạng như thế.
Nhóm lúa lai ở vụ mùa những năm sau đó, gồm cả Bo you và Shan you khi được mở rộng bắt đầu nhiễm bạc lá, một bệnh do vi khuẩn gây ra và lan truyền khá mạnh qua các vết tổn thương ở lá, nhiều tỉnh, nhất là vùng đồng bằng ven biển có những vụ mùa cả cánh đồng bạc lá trắng phớ, lá khô cháy đến mức nếu chỉ cần châm một mồi lửa có thể đốt cả cánh đồng. Lúa ưu thế lai kể từ năm 2004 đến nay bị hạn chế tối đa và đưa ra khỏi cơ cấu vụ mùa ở các tỉnh ĐBSH.
Trái lại với vụ mùa, vụ xuân ưu thế lai lại được thể hiện ngày một ổn định và trội hơn, càng đất sâu màu và bị tác động do yếu tố chua mặn (kể cả đất ven biển lẫn đất nội đồng), ưu thế về năng suất, chịu rét, chống bệnh càng thể hiện rõ. Vụ xuân ấm hoặc rét, lúa lai đều cho năng suất ổn định hơn, gặp năm nghiêng ấm nếu tuân thủ đúng thời vụ thì năng suất gần như không giảm nhiều.
Các tổ hợp lúa lai cho vụ xuân lại được phát triển một cách mạnh mẽ. Đã có một thời, không ít quan điểm cho rằng, lúa lai từ Trung Quốc gieo cấy là chỉ để cho lợn ăn, kiểu như lúa thuần thế hệ 1, năng suất cao nhưng cơm khô, rắn, hạt bầu tròn… không đủ tiêu chí hàng hóa. Những quan điểm này nhanh chóng bị phủ nhận bởi những tiến bộ mới thay thế với hàng loạt tổ hợp lai 3 dòng và 2 dòng không chỉ của Trung Quốc mà còn của các công ty đa quốc gia.
Những năm gần đây hàng vụ có hàng trăm giống lúa ưu thế lai được gửi khảo nghiệm VCU tại Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia, chưa kể một số tổ hợp lai mới mà tác giả, cơ quan tác giả tự khảo nghiệm với các vùng sinh thái. Số lượng công ty tham gia nghiên cứu, sản xuất giống lúa lai cũng tăng nhanh, không chỉ từ Trung Quốc, các đơn vị nghiên cứu, công ty kinh doanh trong nước, mà một loạt các “đại gia” đa quốc gia vốn trước đây chỉ tập trung nhiều cho lĩnh vực thuốc thú y, thuốc BVTV, giống ngô hoặc rau màu, những thứ dễ ăn nhất thì nay cũng tham gia vào sản xuất hạt lúa ưu thế lai.
Cũng vì vậy mà lúa lai cực kỳ phong phú đa dạng, hầu hết với xu thế lai tạo các giống có TGST ngắn để ứng phó tốt hơn với biến đổi bất thường của khí hậu. Lúa lai xâm nhập dần với mốc ban đầu là miền núi phía Bắc, xuống đồng bằng sông Hồng rồi vào Bắc Trung bộ, lan vào Nam Trung bộ và Tây Nguyên, và nó cũng đang tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.
Từ chỗ trước đây năng suất là chính, giờ đây nhiều giống lúa lai chất lượng cũng tuyệt hảo luôn. Lúa lai góp phần xóa đi ngăn cách và những suy nghĩ từ xưa là: Đã năng suất cao thì không thể ăn ngon, đã chất lượng cao, ăn ngon thì không thể cho năng suất cao (gọi là mâu thuẫn chất và lượng). Cái hạn chế chính của lúa lai đó là khả năng sản xuất và cung ứng hạt giống, cũng vì vấn đề này mà diện tích lúa lai cả nước mới chỉ dao động trên 550 ngàn đến 600 ngàn ha/năm.
Những giống năng suất và chất lượng 3 năm gần đây danh sách các giống lúa lai được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử và bổ sung vào danh mục giống lúa được phép sản xuất kinh doanh tại các vùng sinh thái tăng lên nhanh chóng; các giống mới được bổ sung phải đạt tiêu chí, năng suất hoặc là cao hơn trên dưới 10% hoặc chất lượng gạo, chất lượng ăn uống tốt hơn, chống chịu sâu bệnh khá hơn. Quá trình đánh giá cũng dần được chuẩn hóa, tính kháng sâu bệnh được yêu cầu thử nghiệm lây nhiễm nhân tạo trong phòng với các loại bệnh nguy hiểm như đạo ôn, bạc lá và rầy nâu. Quá trình tạo dòng A, B và R đã được các cơ quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển gen, các gen kháng bạc lá, đạo ôn và chống rầy đã dần được chuyển vào dòng bố mẹ rồi chuyển vào con lai, yếu tố chất lượng thay đổi với những dòng bố có chất lượng gạo tốt hơn. bBằng chứng là hàng loạt giống lai mới có hạt dài như D.ưu 527, Du ưu 600, Thái xuyên 111, Nghi hương 2308 và Nghi hương 2309, Hương ưu 98, lúa lai trong nước có TH 3-4, HYT100, HYT 108, lúa lai của các công ty đa quốc gia phải kể đến B-TE1, Syn 6… Nếu có bộ giống chịu tốt với bạc lá, lúa lai sẽ cần được nhìn nhận và đánh giá lại việc nó sẽ tham gia cơ cấu lúa vụ mùa ở các tỉnh vùng đồng bằng ven biển. Giống lúa lai 3 dòng Nam dương 99 và N.ưu 69 đã được công nhận chính thức, ở vụ xuân nó cho năng suất không thua kém những giống nổi tiếng. Ở vụ mùa này với 3 điểm trình diễn ở các vùng đất vàn thấp, có chua mặn… quy mô 3-5 ha cả hai giống này đều giữ khá tốt bộ lá công năng, trong khi các giống khác tham gia cùng chân đất đều bị bạc lá với diện tích lá thiệt hại lên tới 50-60%. Năng suất bước đầu ghi nhận từ lấy mẫu cá thể và gặt thống kê, Nam dương 99 cho năng suất trên 70 tạ/ha và N.ưu 69 là gần 70 tạ/ha (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm và khuyến nông Thái Bình), cả 2 đều có thời gian sinh trưởng ngắn, khá phù hợp với việc bố trí cơ cấu xuân muộn, mùa sớm ở nhiều vùng.
Nếu như những năm gần đây lúa lai ở vụ mùa bị bạc lá khủng khiếp, nhất là nhóm lúa lai có mẹ là BoA, một số giống lúa lai 3 dòng có nguồn gốc Trung Quốc… thì những kết quả khảo nghiệm và trình diễn mấy vụ mùa gần đây, đặc biệt vụ mùa 2011 ở Thái Bình và một số tỉnh đồng bằng ven biển trong điều kiện áp lực tự nhiên cao về bạc lá, lại hé mở những giống có khả năng chống chịu khá tốt với bệnh này.