00:00 Số lượt truy cập: 2637410

CÁCH LÀM GIÀU CỦA PẢ MAY 

Được đăng : 03/11/2016
Dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn bước qua những hủ tục lạc hậu để thay đổi nếp nghĩ của bà con dân bản, và hơn hết là tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ đôi bàn tay và khối óc của mình, đó chính là hành trình làm giàu của cựu chiến binh Hồ Văn May, thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị).

Mô hình lúa - cá của ông Hồ Văn May

73 tuổi, cựu chiến binh Hồ Văn May (Pả May) vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, linh hoạt và sự dẻo dai hiếm thấy. Ông cười hồn nhiên với thắc mắc của chúng tôi về thuở ban đầu bắt tay “vắt đất thành cơm” trên mảnh đất từng được coi là nghèo nhất trong cả nước khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh. 

“Bố làm liên lạc cho bộ đội, gùi lương khô, tải đạn vào chiến trường, thế rồi bị địch bắt, bị giam gần ba năm ở lao xá Quảng Trị, bị tra tấn mình còn không nản lòng, thì cớ gì thời bình, mình không quyết tâm đẩy lùi giặc đói. Nghĩ thế là bắt tay lao động thôi”.

Suy nghĩ giản đơn là thế nhưng đối diện với thực tế đất đai đồi dốc bạc màu, nguồn nước khó khăn, thêm cảnh không đường, không điện, không nước sinh hoạt, Pả May không khỏi có lúc băn khoăn, trăn trở. Nhìn thấy cái nào khó thì tìm cách khắc phục, Pả May mày mò nghiên cứu tìm cách dẫn nước từ ngọn suối Palyralăng cách nhà hơn 5 km về tận vườn nhà.

Có nguồn nước, ông cùng vợ đào ao thả cá, kết hợp tận dụng nguồn nước để trồng cây lúa nước. Dân bản ban đầu lạ lẫm lắm, họ không tin mô hình này của ông có hiệu quả, bởi xưa nay, người Vân Kiều trên núi chỉ biết chặt cây rừng, đào củ mài, đặt cái bẫy để săn bắt chim thú chứ chưa thấy ai đi đào ao nuôi cá và trồng cây lúa nước bao giờ. Giống cá ban đầu ông nuôi là từ những con cá bắt được ở suối, sông, dù ít ỏi nhưng ấp ủ bao hy vọng. Không dừng lại ở đó, Pả May dành dụm tiền, học kinh nghiệm từ các mô hình làm kinh tế giỏi qua tivi, sách báo.

Ông nhớ, mình đã từng cơm đùm cơm bới vượt rừng cuốc bộ hơn 40 km về tận thành phố Đông Hà tìm mua con giống, thức ăn. Từ mô hình nhỏ dần mở rộng quy mô thành lớn, mỗi năm, ao cá rộng 5 sào này đã đưa về cho gia đình ông nguồn thu gần 20 triệu đồng.

“Tôi thấy người ta trồng cà phê hiệu quả nên học tập làm theo, cũng khai hoang trồng 2 ha cà phê và đã thu hoạch được 4 vụ, cùng 5 sào sắn và vài chục con trâu bò, gia đình tôi đã thực sự thoát nghèo rồi”. Ấy là cách nói khiêm tốn của Pả May, chứ thực sự, với nguồn thu nhập ổn định từ ao cá, ruộng lúa, cà phê, sắn, gia súc... mỗi năm vợ chồng ông thu về gần trăm triệu đồng. Dân bản nể phục gọi ông là người cócủa ăn của để của bản.

Khoảng 5 năm trở lại đây, khi giá sắn tăng cao, nhiều hộ dân ở xã Đakrông đua nhau chặt rừng trồng sắn, rừng bị xâm hại nghiêm trọng và đất đai thì bạc màu và cằn cỗi hơn. Pả May xót xa lắm. Đọc báo, xem tivi, thấy nguy hại của việc tàn phá rừng ảnh hưởng khôn lường đến đời sống con người, nhưng làm cách nào để bà con dân bản hiểu và không chạy theo cái lợi trước mắt mà phá rừng trồng sắn.

“Mình phải chỉ cho bà con cách làm kinh tế bền vững, cùng lao động để tạo ra của cải, như vậy bà con mới biết giữ và quý rừng”. Nghĩ là làm, mộc mạc và chân thành, Pả May đem hết kinh nghiệm, kiến thức về cách nuôi cá, cách bón phân cho lúa nước, cà phê... bày vẽ cho bà con dân bản. “Hồi xưa chưa biết cách làm ăn, cuộc sống gia đình đông con cứ thiếu đói quanh năm. Từ khi được xã, huyện quan tâm cho tham gia các lớp tập huấn phát triển kinh tế, tôi mạnh dạn đầu tư mô hình này. Thu nhập từ cá, lúa, cà phê và sắn hàng năm khấm khá lắm rồi.

Cuộc sống đã ổn định hơn, nhà cócủa ăn của để, không sợ thiếu đói nữa, mong bà con cũng áp dụng hiệu quả như gia đình tôi thì cả làng hết đói”, Pả May tranh thủ gặt nốt mấy vạt lúa đang trĩu hạt, cái cười giản dị sau vành mũ.

Có những con người biết nghĩ, biết làm giàu cho gia đình và giúp đỡ người khác làm kinh tế thoát nghèo như cựu chiến binh Hồ Văn May thì bản làng sẽ sớm cócuộc sống ấm no, hạnh phúc.