00:00 Số lượt truy cập: 3042165

Cà Mau: Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thế mạnh cần phát huy 

Được đăng : 03/11/2016

Trước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, toàn tỉnh Cà Mau có 90.511ha đất nuôi tôm. Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỉnh đã chuyển dịch 157.895ha đất trồng lúa kém hiệu quả và một phần đất vườn sang nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích đất nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 278.241ha. Cà Mau còn là tỉnh có diện tích chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông-lâm-ngư nghiệp sang ngư-nông-lâm nghiệp lớn nhất so với khu vực ĐBSCL và cả nước. Giờ đây, con tôm sú được xem là thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Việt Thắng thăm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến tại HTX Nuôi trồng thủy sản Thống Nhất, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất thành công như hiện nay, Cà Mau cũng đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức: ô nhiễm nguồn nước, tình trạng tôm chết kéo dài… Hiện nay, người dân đã tìm được cho mình một hướng đi mới, phù hợp: nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nuôi vẫn cho ăn bình thường, vẫn phải xử lý nước đầm nuôi thường xuyên và phải có ao lắng nước thải, nhưng không dùng quạt khí. Mật độ nuôi tôm thưa, từ 6-8 con/m2. Hiện nay, trước tình trạng nghề nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ do chi phí đầu vào mỗi năm tăng, nhưng giá sản phẩm không tăng, nhiều người còn chịu cảnh trắng tay do rủi ro dịch bệnh. Vì vậy, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được ghi nhận có tính an toàn cao, người dân rất đồng tình hưởng ứng. Ông Võ Thanh Mừng - Phó Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Thống Nhất ở ấp Lung Thuộc, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Nuôi tôm quảng canh cải tiến đang có lợi thế rất lớn vì không cần đầu tư nhiều, nhưng rất hiệu quả. Tuy nhiên, để thành công, cũng cần có sự phối hợp đồng loạt trong quy trình nuôi và nhiều người cùng thực hiện. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 17 hộ xã viên, đến nay đã có trên 30 hộ đăng ký tham gia. Hiện nay, nhiều xã viên trong HTX đang áp dụng phổ biến mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thu tỉa thả bù, năng suất khá cao và rất ổn định”. Điều đáng mừng, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến không chỉ được người dân đồng tình mà các nhà chuyên môn cũng đánh giá rất tốt về tính hiệu quả và bền vững. Bà Lý Thị Thanh Loan - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, sau khi nghiên cứu tình hình nuôi tôm sú nước lợ một số tỉnh ĐBSCL, trong đó có Cà Mau, đã đưa ra kết luận: “Từ năm 2007, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến năng suất cao 500kg/ha được phát triển tại tỉnh Cà Mau trên 2.176ha. Đây là mô hình góp phần tăng thu nhập cho người nuôi với mức lợi nhuận đạt 32-37 triệu/ha/vụ”.

Nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao vẫn là định hướng chiến lược trong nuôi tôm nước lợ

Vừa qua, trong chuyến về làm việc tại tỉnh Cà Mau, sau khi đi thăm HTX Nuôi trồng thủy sản Thống Nhất, ông Nguyễn Việt Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá rất cao về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao ở đây. Một mô hình triển vọng trong nuôi tôm chất lượng cao mà người dân Cà Mau cần phải phát huy trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu: “Với lợi thế là vùng nước lợ, người dân cần cố gắng giữ vững diện tích trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm để nâng cao tính hiệu quả nuôi trồng và tạo được môi trường bền vững, phục vụ nuôi tôm lâu dài. Trong tình hình hiện nay, giá thức ăn và một số nguyên liệu khác tăng cao, trong khi giá tôm sú đã giảm so với trước, người dân cũng không nên nóng vội. Thấy tôm sú rớt giá mà nhiều người cùng bán, như vậy vô tình càng đẩy giá tôm xuống thấp thêm. Nuôi tôm quảng canh cải tiến gần như phụ thuộc vào thiên nhiên, vì thế nông dân thu hoạch chậm lại một vài ngày cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Sau đó, khi các nhà máy chế biến không còn áp lực lớn về thu mua tôm, sẽ không còn tình trạng ép giá”. Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đề nghị chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ lịch thời vụ của người dân để có thể can thiệp khi cần, tạo tâm lý an tâm cần thiết cho người nuôi tôm.

Theo quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐBSCL, đến năm 2015 và định hướng đến 2020 của Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Minh Hải, chúng ta vẫn phát triển nuôi tôm nước lợ trở thành mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam. Trong các phương án quy hoạch nuôi tôm nước lợ vẫn ưu tiên phát triển theo hướng tăng sản lượng trên cơ sở tập trung thâm canh, tăng năng suất ở phương thức nuôi quảng canh cải tiến. Tỉnh Cà Mau có đến 90% diện tích đất nuôi tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến đólà điều kiện tốt để phát huy hết lợi thế và tiềm năng sẵn có. Kỹ sư Trình Trung Phi - Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Minh Hải, nhận xét: “Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được đánh giá là chỉ gây ô nhiễm đối với môi trường đất và nước ở mức nhẹ, năng suất cao. Hiện tượng tôm nuôi chậm lớn chỉ chiếm từ 9-17%, trong khi nuôi thâm canh lên đến 42,14%”. Ông Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cũng khuyến cáo, Cà Mau nên phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến gắn liền với sinh thái tự nhiên. Trong khu vực ĐBSCL cũng như cả nước, chỉ Cà Mau mới có lợi thế về nuôi tôm sinh thái. Xu hướng thị trường hiện nay rất chú trọng sản phẩm này, về lâu dài, ngoài việc giữ vững diện tích nuôi, Cà Mau còn phải xây dựng thương hiệu cho loại tôm mang tính ưu thế thiên nhiên này. Các nhà chuyên môn lưu ý, Cà Mau không nên quá đặt nặng việc nuôi tôm thẻ chân trắng mà phải hiểu rằng, việc nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Về chiến lược, con tôm sú vẫn là thế mạnh cần được phát triển bền vững.