Các công ty này đã nhìn thấy triển vọng Việt Nam trở thành một nguồn cung cấp ca cao lớn trong tương lai gần, trong bối cảnh mà thế giới thiếu hụt ca cao do nguồn cung ca cao chủ yếu từ Châu phi nhưng bất ổn về chính trị ở một số quốc gia cung cấp ca cao lớn khiến nhà nhập khẩu e ngại. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài tập đoàn Cargill của Mỹ là công ty kinh doanh hạt ca cao lớn trên thế giới, hiện có ít nhất 5 công ty nước ngoài nổi tiếng về kinh doanh ca cao trên thế giới đang chuẩn bị triển khai mua ca cao Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Uyển - người đã nhiều năm nghiên cứu cây ca cao cho biết, các tỉnh từ vĩ tuyến trở vào Nam đều có thể trồng được ca cao. Ca cao còn có thể phát triển tại những vùng mà cà phê không mọc được. So với cà phê, ca cao kết trái vào mùa mưa nên người trồng chỉ cần duy trì đủ nước cho ca cao sống hết mùa khô và chi phí rẻ hơn một nửa so với trồng cà phê, khoảng 20 triệu đồng/ha trong năm đầu tiên, và hơn thế, trồng xen với cà phê và các loại cây trồng khác mà không giảm sút năng suất.
Những năm gần đây, bước đầu cây ca cao đã đem lại thu nhập tốt cho nông dân Việt Nam ở nhiều vùng khác nhau. Diện tích ca cao đã phát triển mạnh, từ 1.500ha năm 2004 lên 4.500ha trong năm 2005 và ước tính đạt 8.500ha vào cuối năm nay, đạt 20.000ha vào năm 2010.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam có 6 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Lăk, Đắc Nông trồng ca cao. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch hơn 800ha, ước sản lượng 80 tấn, tập trung nhiều nhất ở Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang và Đắk Lắk. Bộ đã công nhận 8 giống ca cao phát triển ở các vùng trồng của các tỉnh phía Nam.
Hiện nay, sản lượng ca cao của Việt Nam thu hoạch được chưa nhiều, chỉ đủ để làm giống nhưng các công ty nước ngoài đang có xu hướng đến Việt Nam thu mua ca cao. Doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ca cao lên đến hàng triệu USD. Tất cả đều kỳ vọng vào tương lai của ca cao Việt Nam