00:00 Số lượt truy cập: 2638314

Cá gầy do biển ô nhiễm 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiều ngư dân ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) bức xúc phản ánh về tình trạng môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến con cá nổi (chủ yếu là cá nục, cá lầm xanh) không có đủ nguồn thức ăn để sinh trưởng.


Nếu như năm 2007, mỗi một tàu cá có thể mang về lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng - giải quyết việc làm cho 30 lao động, thì năm 2008, sản lượng đánh bắt của họ giảm gần 50%. Nguyên nhân làm môi trường biển bị ô nhiễm đến mức đáng báo động là do nạn dùng mìn khai thác hải sản theo cách hủy diệt của một số chủ tàu.

Cá gầy do thiếu thức ăn

Tại hội thảo phát triển nghề cá - do Sở NNPTNT chủ trì - được tổ chức tại chính xã Quảng Tiến mới đây, ngư dân Phạm Văn Phúc - ở thôn Toàn Thắng, xã Quảng Tiến - cho biết: Giá cá nục, cá lầm... hiện nay giảm chỉ bằng một nửa so với hơn 1 năm trước đây.

Ông Phúc có 2 con tàu đánh bắt xa bờ, năm 2007, đôi tàu của ông khai thác được 350 tấn cá, thu về 2 tỉ đồng, lãi ròng 1 tỉ. Năm 2008, giá bán chỉ bằng một nửa (3.000 đồng/kg so với 6.000 đồng/kg). Nguyên do là vì con cá quá nhỏ nên bán mất giá. Vào cữ tháng 9 đến tháng 11.2007, cứ 15-17 con cá nục đạt trọng lượng 1kg; năm 2008 cũng vào thời gian trên, phải từ 25-30 con mới được 1kg! Trừ vào chi phí nguyên liệu (dầu, đá lạnh, khấu hao, sửa chữa nhỏ, trả lãi ngân hàng...) là huề, không có lãi.

Nhiều ngư dân nhận định: Nguyên nhân khiến cho con cá nổi suy giảm trọng lượng đến mức chóng mặt, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ là do con cá thiếu thức ăn.

Báo động nạn khai thác bằng mìn

Ông Phạm Gia Thanh - chủ đôi tàu đánh cá xa bờ ở thôn Vạn Lợi, xã Quảng Tiến - khẳng định: Tình trạng đánh cá mang tính hủy diệt bằng mìn và xung điện chưa được ngăn chặn hiệu quả, đã gây nhiều tác hại đến môi trường biển là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Cá mẹ, trứng cá, cá mới sinh bị chết do bị điện giật, mìn nổ, con nào còn sống thì bị "tàn tật" nên còi cọc, không mỡ màng như cá của các năm trước.

Ông Thanh nói: "Cá, tôm còn chết nổi, chìm, huống hồ sinh vật phù du vốn rất mỏng manh yếu ớt. Chúng bị hủy diệt bởi chất nổ, xung điện, sức ép; bị ngăn cản tiếp xúc với ôxy do váng dầu của các con tàu - đặc biệt là tàu vận tải".

Quảng Tiến có 75% dân số, với khoảng 10 nghìn nhân khẩu sống nhờ nghề biển. Trước thực trạng môi trường, tài nguyên biển bị xâm hại, chính quyền xã này tỏ ra rất lo lắng. Ông Phạm Gia Long - Chủ tịch xã Quảng Tiến - cho biết: Toàn xã có 251 con tàu, trong đó có 187 tàu đánh bắt xa bờ - với hơn 2.500 lao động trực tiếp đánh bắt, 1.500 lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến, xuất khẩu hải sản... Bây giờ, nếu viễn cảnh khai thác hải sản không phát triển được do cạn kiệt nguồn tôm, cá thì ngư dân lên bờ sẽ làm gì kiếm sống?

Ngày 16.2, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 464/UBND-NN về việc bảo đảm an ninh, trật tự, tài sản trên biển cho ngư dân. Theo đó, UBND các huyện, thị ven biển, Sở NNPTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... phải tập trung phổ biến cho ngư dân hiểu biết các quy định về quản lý, khai thác hải sản, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tổ chức cho ngư dân ký cam kết về đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên biển, không vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác; có hình thức xử phạt nghiêm những ngư dân xâm phạm ngư cụ, tài sản của người khác, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, gây mất trật tự, an ninh trên biển...

Nhưng có lẽ, muốn giữ được nghề biển thì chính ngư dân phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử chưa đúng của chính mình với thiên nhiên.