00:00 Số lượt truy cập: 3062647

Cà phê Việt Nam sẽ lên sàn giao dịch Chicago 

Được đăng : 03/11/2016

Tham vọng về việc đưa sản phẩm cà phê Việt Nam giao dịch tại Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CME) - sàn giao dịch kỳ hạn lớn nhất thế giới, đang dần trở thành hiện thực. Mới đây nhất, Chính phủ đã chấp thuận để các bộ NN-PTNT, Ngoại giao, Công thương và VICOFA xúc tiến triển khai công việc.


PV.VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), sau khi ông vừa làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương sáng 22/8, tại Hà Nội.

Ông Huy cho biết: "Năm 2002-2003, giá thành cà phê dao động quá lớn. Thỏa thuận giá ngay ở thời điểm đó, DN dễ gặp rủi ro về giá nên từ niên vụ 2005-2006, các DN đã dùng hợp đồng với điều kiện chốt giá sau (Price to be fixed), như cà phê Robusta trên LIFFE (thị trường kỳ hạn quốc tế London), cà phê Arabica trên thị trường NYBOT (NewYork - Mỹ). Tuy nhiên, các giao dịch vẫn phải thực hiện qua trung gian".

Cà phê đi đầu

- Để có thể đặt lệnh mua bán trực tiếp trên các sàn ở Hoa Kỳ, VICOFA đã có biện pháp gì và đến nay, mọi việc đã được xúc tiến như thế nào?

- Hiệp hội đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc hợp tác với Hoa Kỳ xây dựng sàn giao dịch cà phê. Chủ trương này rất được Chính phủ, các bộ ngành ủng hộ. 

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Công văn 4490 giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, UBND tỉnh Đăk Lăk, VCCI và VICOFA xây dựng Đề án hợp tác và chủ động làm việc với Sàn giao dịch hàng hoá Chicago về khả năng đưa sản phẩm cà phê Việt Nam giao dịch tại CME và phát triển sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam, trên cơ sở đó tiến tới mở rộng khả năng hợp tác ra các hàng hoá nông sản khác. 

Sáng 22/8, Thứ trưởng NN-PTNT Lương Lê Phương cũng đã có có buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội để họp bàn về việc này cũng như đề nghị VICOFA báo cáo về tình hình xuất khẩu cà phê, cacao Việt Nam từ đầu năm tới nay, phương hướng thời gian tới. 

Trước mắt, chúng tôi sẽ sớm thành lập Ban soạn thảo đề án hợp tác với Sàn giao dịch Chicago.

- Được biết trong chương trình xúc tiến thương mại của Hiệp hội, quý II/2007, các DN sẽ sang khảo sát một số sàn giao dịch ở Hoa Kỳ, như New York, Chicago; sau đó tiến tới các sản khác như Brasilia, Sao Paulo, Mias Geras. Kết quả các chuyến đi đó ra sao, thưa ông?

- Chuyến đi của chúng tôi kéo dài từ 26/6-6/7, gồm 18 người, đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hiệp hội và các DN. Đến NYBOT - sàn giao dịch cà phê Arabica ở NewYork, tôi thấy sàn giao dịch một nửa tập trung, nửa bán tập trung, tức chỉ 50% sản lượng cà phê được mua bán tại sàn. Mọi việc ở đây rất chuyên nghiệp. 

Sau đó, đoàn có ghé qua sàn giao dịch Chigaco. Được thành lập từ năm 1870, ban đầu, sàn này chỉ mua bán đường, sau mới có cà phê. Đây là sàn giao dịch kỳ hạn lớn nhất thế giới, sôi động hơn cả các sàn ở NewYork, nơi tập trung các mặt hàng lớn như đậu tương, bắp, dầu cọ và cả kim loại. Chúng tôi đã có buổi làm việc với những người điều hành, Giám đốc Trung tâm giao dịch kỳ hạn châu Á của Chicago. Họ rất phấn khởi và mong cà phê Việt Nam sớm có mặt trên sàn.

Ông này cũng hứa sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân viên vận hành và hoạt động trong các sàn giao dịch. Trước mắt, chúng tôi sẽ cử một số nhân viên sang Chicago, sau đó, phía bạn sẽ trợ giúp bằng cách cử chuyên gia sang hướng dẫn tại Việt Nam, như vậy chi phí sẽ rẻ hơn.

Sẽ đặt lệnh trực tiếp tới sàn Chicago

- Vậy, Hiệp hội đã chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật như thế nào ở trong nước để có thể tiến hành hợp tác, giao dịch với sàn Chicago?

- Tháng 11/2004, được sự đồng ý của Bộ Công thương, cùng với UBND tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi đã tiến hành xây dựng Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center), với kỳ vọng đây sẽ là nơi đấu giá tập trung, công khai của các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê. Cuối năm 2006, phần cơ sở hạ tầng của Trung tâm cơ bản xong, giao dịch cũng đã được tiến hành. 

Tuy nhiên, các giao dịch này phần lớn là mang tính chất địa phương, trong vùng (Đăk Lăk là thủ phủ cà phê cả nước) và phạm vi trong nước. Tháng 9 tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để xin ý kiến đóng góp về nội quy, quy mô hoạt động của Trung tâm này.

Nếu công việc hợp tác với Sàn giao dịch Chicago thuận lợi, đến tháng 3/2008, Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ trực tiếp đặt lệnh giao dịch với sàn Chicago, không phải thông qua bất kỳ khâu trung gian nào. Hiện việc này vẫn phải qua trung gian, như Techcombank (Ngân hàng Kỹ thương), BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển), ATB (Công ty CP Môi giới Thương mại châu Á - Vietcombank). 

Khó khăn nhất về vấn đề kỹ thuật là xây dựng phần mềm giao dịch cho Trung tâm này. Chúng tôi đang tư vấn để thuê công ty chuyên nghiệp viết phần mềm. Trước mắt, sẽ vẫn phải đặt lệnh thủ công. 

Tránh ký hợp đồng dồn dập

- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2007 và niên vụ tới? VICOFA có khuyến cáo gì với các DN trong việc đảm bảo nguồn hàng để xuất khẩu?

- Điều phấn khởi là năm nay, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 1.430 USD/tấn so với mức 1.066 USD/tấn năm 2005. Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 900.000 tấn, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD. Tôi cho rằng, năm 2007, xuất khẩu cà phê sẽ mang về 1,5 tỷ USD. Vài tuần qua, giá cà phê dao động theo chiều hướng giảm khoảng 100-200 USD/tấn, song đó chỉ là mức tăng giảm bình thường, không đáng lo ngại.

Ngay từ niên vụ 2006-2007, các chuyên gia cà phê đã dự báo sản lượng của Brazil chỉ đạt 33-35 triệu bao niên vụ 2007-2008 do mất mùa. Việt Nam thu hoạch muộn hơn, vào tháng 10, dự kiến sản lượng sẽ tương đương năm ngoái, vào khoảng 1,5 triệu bao. Như vậy, thị trường cà phê Việt Nam về cơ bản là cân bằng, không thừa. Do vậy, giá xuất khẩu sẽ còn vững ở mức cao. 

Giá cà phê xuất khẩu có thể giảm trong quý IV, song sẽ nhanh chóng tăng trở lại vào quý II/2008. VICOFA khuyến cáo các DN không nên ký hợp đồng bán với số lượng lớn, dồn dập, chỉ nên duy trì ở mức 40.000 tấn thay vì 120.000 như trước, dành hàng cho thời gian tới.