Ở thôn Kambutte, xã Tu tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có trên 95 % đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây nguyên, cuộc sống của bà con con nhiều khó khăn. Có một người con nơi đây đã đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi phương thức sản xuất truyền thống, lạc hậu. Anh là Ya Uông, người dân tộc K’ho.
Năm 1985, anh lập gia đình. Khi bắt đầu lập nghiệp, cuộc sống của gia đình anh gặp khó khăn nhiều năm liền. Năm 1993, 1994, gia đình anh khai hoang đất đồi 4,5 ha sau đó bắt đầu trồng cà phê Robutta đầu tiên tại thôn và cải tạo phục hóa 1,4 ha ruộng lúa. Được chương trình định canh định cư khuyến khích, giúp đỡ trong việc trồng cà phê nên nên vườn cà phê của gia đình anh đã cho thu nhập khá. Có những năm cà phê rớt giá, nhiều người đã phá cà phê để trồng cây khác nhưng gia đình anh vẫn giữ lại và tiếp tục chăm sóc.
Anh cho biết, gia đình anh tôi luôn được sự khuyến khích và giúp đỡ kịp thời về vốn của Hội Nông dân cũng như sự giúp đỡ về chuyển giao khoa học kỹ thuật bởi các cán bộ khuyến nông các cấp, được sự giúp đỡ của cộng đồng, bạn bè người Kinh, vì thế gia đình anh mới có đời sống kinh tế phát triển như hôm nay. Trong suốt quá trình sản xuất, gia đình anh còn mua và khai hoang thêm 1,3 ha để trồng màu, 0,4 ha trồng cà phê Catiomor giống mới, đào đắp 0,05 ha ao tưới kết hợp với thả cá để cải thiện đời sống gia đình.
Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình anh là 7,65 ha. Anh đã trang bị đầy đủ các phương tiện sản xuất như: máy kéo, xới đất, máy cắt cỏ, máy đập vỏ cà phê, máy tưới và 2 xe gắn máy. Anh còn phát triển đàn bò 10 con, đàn trâu đến cuối năm 2010 trên 30 con.
Anh chia sẻ kinh nghiệm, để tránh rủi ro trong sản xuất, anh thực hiện mô hình sản xuất nhiều loại cây trồng hợp lý, lấy ngắn nuôi dài như cây cà phê, cây lúa, cây bắp, cây khoai lang và chăn nuôi trâu, bò. Tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm, trấu, thân cây bắp, vỏ cà phê … để trộn phân chuồng bón cải tạo đất). Sử dụng hạn chế phân bón hóa học nên giảm chi phí sản xuất, thuê mướn lao động là người dân địa phương.
Trong năm 2010, tổng thu nhập từ trồng cà phê, lúa, bắp, khoai lang của gia đình anh đạt gần 800 triệu đồng, trong đó nguồn thu từ cà phê Robusta đạt gần 600 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của gia đình anh còn đạt gần 500 triệu đồng.
Cuối năm 2010, do điều kiện chăn thả khó khăn, đồng cỏ, đất đai hạn hẹp nên anh quyết định bán hết đàn trâu 30 con thu được 280 triệu đồng, chỉ giữ lại 10 con bò lai sind và có dự định trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò.
Trong năm 2011, từ tiền bán trâu và lợi nhuận các năm trước tích góp lại, anh đã xây xong 1 căn nhà mới kiên cố, khang trang trị giá khoảng 900 triệu đồng với đầy đủ tiện nghi, vật dùng trong gia đình.
Ngoài việc chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, anh luôn có tinh thần tương thân, tương trợ luôn giúp đỡ những người nghèo khó trong thôn để họ cùng vươn lên thoát nghèo như mình, sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm sản xuất cho bà con cùng biết, cùng làm. Anh được bà con ở địa phương vô cùng ngưỡng mộ và tin yêu./.