00:00 Số lượt truy cập: 3076645

Cà phê đạt đỉnh, doanh nghiệp trong nước lao đao 

Được đăng : 03/11/2016
Bài học nhiều năm qua ở Tây Nguyên là mỗi lần giá cà phê đạt đỉnh thì ngay sau đó sẽ kéo theo một làn sóng vỡ nợ của các đại lý và doanh nghiệp thu mua cà phê.

 

Thiếu vốn trầm trọng

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang trong những ngày vui thắng lợi khi giá mặt hàng này ngay từ đầu vụ đã đạt hơn 35 triệu đồng/1tấn, cao hơn 10 triệu đồng/1tấn so với niên vụ trước. Còn đến thời điểm này, cà phê đã đạt mức giá kỷ lục: Hơn 41 triệu  đồng/1tấn, là mức cao nhất trong 15 năm qua.

Giá cao, nông dân vui mừng, nhưng nhiều đơn vị thu mua-xuất khẩu cà phê trong nước lại đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Kinh doanh cà phê trong hoàn cảnh này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể dẫn đến vỡ nợ, phá sản. Đã có những dấu hiệu khá rõ ràng về những nguy cơ ấy, ngay trong những ngày đầu năm huy hoàng nhất của cây cà phê.

Một nảy sinh tất yếu đã xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp khi giá cà phê tăng, đó là họ phải cần một lượng vốn lớn hơn. Khó khăn về vốn càng tăng khi các ngân hàng đều tăng lãi suất và xiết chặt các khoản cho vay. Đối với Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2/9, tỉnh Đắk Lắk, vì thiếu vốn, nên đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ thu mua, xuất khẩu được khoảng hơn 35.000 tấn cà phê nhân, chưa đạt 30% kế hoạch niên vụ.

Theo ông Đỗ Quyệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty 2/9, khó khăn về vốn trong tình thế hiện nay là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam.

“Thời điểm này năm ngoái, dư nợ của chúng tôi khoảng 700 tỷ, nhưng năm nay, dư nợ đã hơn nghìn tỷ rồi. Các doanh nghiệp làm cà phê lớn đều đang  thiếu vốn, vì ngân hàng cho vay dựa trên thế chấp tài sản, mà với số vốn lớn thế thì tài sản không có”, ông Quyệt chia sẻ.

Ông Quyệt cũng cho biết, sẽ vay ngoại tệ ở nước ngoài để trong thời gian ngắn nhất có thể thu mua được cho nông dân vì các nguồn cung cấp tín dụng khác đã huy động hết.

Dù đẩy mạnh tìm kiếm nhiều nguồn tín dụng khác nhau, nhưng vấn đề thiếu vốn vẫn khá nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp cà phê. Riêng 2 ngày qua (14 và 15/2) khi giá cà phê nhân xô chạm mức giá 41 triệu đồng/1tấn, một số doanh nghiệp đã phải dừng thu mua vì cạn vốn, trong khi mức bán ra của nông dân bắt đầu phục hồi.

Nông dân không ngại trữ sản phẩm

Doanh nghiệp Việt cạn vốn để mua cà phê, nhưng nông dân Tây Nguyên hoàn toàn không phải lo lắng về bài toán đầu ra. Theo một số nhà kinh doanh cà phê tại khu vực này, điều khác biệt lớn trong niên vụ cà phê 2010-2011 là ngành cà phê có thêm sự vào cuộc của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, như Nedcoffe, Nestlé và Olam. Các doanh nghiệp này, với ưu thế lớn về vốn, đã chiếm vị thế áp đảo so với các doanh nghiệp Việt trong việc thu mua.

Trong niên vụ này, giá cà phê cao ngay từ đầu vụ, người nông dân chỉ bán một phần đã giải quyết được nhu cầu tài chính cấp bách. Hiện tại bà con vẫn còn trữ được một phần sản phẩm và chỉ bán khi thực sự có nhu cầu hoặc khi giá đặc biệt cao. Thời điểm này, bà con không hề lo đến việc cà phê đột ngột quay đầu giảm giá.

Nông dân Nguyễn Trường Tộ, ở thôn Trung Hòa, xã Ea Ktua, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc, cho biết, sản phẩm tất nhiên chưa bán hết và cũng chẳng phải lo gì vì khi có nhu cầu mới bán tiếp hoặc cất trữ chờ giá cả lên.

Theo phán đoán của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, khi giá mặt hàng này lên và đứng lại khá lâu như hiện nay, có khả năng rất lớn là giá sẽ tiếp tục tăng. Không ít người phán đoán, cà phê có thể đạt mức giá đỉnh vào khoảng 48 triệu đến 50 triệu đồng/1tấn.

Cà phê Việt Nam đang đạt đỉnh, nông dân chắc chắn là người được lợi. Nhưng với những doanh nghiệp thu mua-xuất khẩu cà phê, vực thẳm lại đang ở ngay dưới chân họ nếu thiếu tỉnh táo. Bài học nhiều năm qua ở Tây Nguyên là mỗi lần giá cà phê đạt đỉnh là ngay sau đó sẽ kéo theo một làn sóng vỡ nợ của các đại lý và doanh nghiệp thu mua cà phê.

Tin buồn đã đến ngay trong những ngày đầu năm, khi hàng chục nông dân đã không thể đòi được tiền bán cà phê của mình cho Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Hoàng Linh, ở thị trấn Ea Tlinh, huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông. Lo lắng là rất lớn, vì nếu doanh nghiệp này vỡ nợ, sẽ gây ra tổn thất tiền tỷ cho nông dân cà phê tại địa phương.