Cà phê tăng giá: Nhiều DN sẽ thua lỗ nặng
Được đăng : 03/11/2016
Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch cà phê. Ngoài dự đoán của các chuyên gia, giá cà phê vào thời điểm này vẫn ở mức cao chưa từng có trong vòng 10 năm qua: 24.000đ/kg.
Nhiều doanh nghiệp sẽ khốn đốn vì đã trót ký hợp đồng bán hàng giá thấp trước đó...
Sau “hàng giấy”, đến “hàng thật”
Như đã phản ánh, vì mua bán khống cà phê trên mạng (dân trong nghề gọi là chơi hàng giấy), thời gian qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Tây Nguyên đã thua lỗ tiền tỷ. Nay lại đến các doanh nghiệp xuất khẩu (hàng thật) có nguy cơ bị thua lỗ nặng.
Sau nhiều lần liên lạc, tôi hẹn gặp được giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có tiếng ở Buôn Ma Thuột. Mái tóc ông đã bạc trắng, đôi mắt thâm quầng. Ông giám đốc thừa nhận đã nhiều tháng nay không đêm nào ngủ ngon giấc.
Ông thở dài: “Đêm nào tôi cũng phải thức hồi hộp theo dõi hai thị trường cà phê London và New York. Giá cứ tăng ngoài dự đoán, nhiều khi chỉ qua một đêm doanh nghiệp tôi có nguy cơ mất cả chục tỷ đồng. Theo chúng tôi biết, các nước sản xuất cà phê lớn đều không mất mùa lớn, thậm chí nhiều nước còn dự báo sẽ được mùa lớn vào mùa thu hoạch sắp tới. Vậy mà không hiểu sao giá lại cứ tăng đều”.
Đầu tháng 8/2006, khi giá cà phê giao kỳ tháng 1/2007 trên thị trường London tăng lên đến 1.300 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đăk Lăk đã chốt giá bán hàng loạt.
Theo thông tin của dân trong nghề, có một số Cty bán đến vài chục nghìn tấn cà phê. Theo nhận định của các Cty này, giá cà phê không thể vượt qua ngưỡng 1.300 USD/tấn (tương đương 20.800đ/kg), vào kỳ tháng 1/2007, khi mà Việt Nam và nhiều nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới vừa thu hoạch xong.
Nhưng những gì họ chứng kiến trên thị trường kỳ hạn cho đến thời điểm này lại có dấu hiệu ngược lại. Giá chỉ giảm so với mức 1.300 USD/tấn vài ngày đầu tháng 8, sau đó liên tục tăng đều, đến ngày 11/11/2006 đạt mức 1.650 USD/tấn (tức 26.400đ/kg), sau đó hạ nhẹ và ngày 17/11 có dấu hiệu tăng trở lại.
Nếu một doanh nghiệp chốt giá bán 10.000 tấn lúc giá 1.300 USD/tấn, thì đến thời điểm này đã có dấu hiệu bị lỗ 56 tỷ đồng. Theo luật của thị trường kỳ hạn, số tiền “có dấu hiệu lỗ” này các doanh nghiệp phải nộp ngay vào tài khoản ký gửi ở ngân hàng bảo hộ trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi ngừng phiên giao dịch. Nếu doanh nghiệp nào không đủ khả năng tài chính để đáp ứng luật chơi này thì sẽ bị phạt bằng số tiền “có dấu hiệu lỗ” và bị huỷ hợp đồng.
Theo ông Văn Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, người trồng cà phê thường chỉ bán cầm chừng lúc giá có biến động để chờ giá cao hơn.
Mặt khác, với giá hiện tại, người trồng cà phê chỉ cần bán 1/3 sản lượng là đã đủ trang trải các khoản cần thiết trong năm. Đây là một thách thức khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam qua thị trường kỳ hạn.
Bởi rất có thể khi đến thời điểm phải giao hàng theo hợp đồng, dù đã phải chịu lỗ vài chục tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn không thể mua đủ số hàng đã ký hợp đồng để giao.
Cần liên kết để tránh bị đầu cơ
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến các nhà xuất khẩu cà phê hoạt động kém hiệu quả và dễ bị chao đảo khi thị trường biến động là do yếu vốn. Nhiều đơn vị xuất khẩu cà phê đang hoạt động ở thế bị động, không có sẵn nguồn hàng dự trữ trong kho, thường ký hợp đồng xuất khẩu trước rồi mới bắt đầu đi mua hàng trong nỗi lo lắng phập phồng.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng lâm vào tình trạng có nguy cơ thua nặng như hiện tại là do các doanh nghiệp xuất khẩu quá liều lĩnh và chủ quan, trong khi không nắm được thông tin và không đánh giá được đối thủ. Tuy nhiên, đa số mọi người khi được hỏi đều nhất trí chọn nguyên nhân chính là do các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam thiếu sự liên kết với nhau.
Một lợi thế rất lớn của các nhà xuất khẩu cà phê là sản lượng cà phê mỗi niên vụ của nước ta đạt khoảng 800.000 tấn, chiếm đến hơn 30% sản lượng cà phê robusta trên thế giới.
Nếu các nhà xuất khẩu cà phê nước ta liên kết lại, hợp tác thu mua trước, rồi mới cùng điều tiết lượng hàng hoá xuất ra thị trường thế giới, thì việc làm chủ giá cả, tránh thua lỗ không phải là quá khó.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao của Việt Nam được thành lập từ năm 1990. Tuy nhiên đến nay vai trò của hiệp hội này trong việc liên kết các nhà xuất khẩu cà phê vẫn khá mờ nhạt. Các đơn vị xuất khẩu vẫn ở trong tình trạng “mạnh cua cua máy, mạnh cáy cáy mò”.