Cá thát lát hiện được xem là “đặc sản” trên vùng đất Tây Nguyên, nhất là tại Đăk Lăk.
Nhờ thớ thịt dai, ngọt, thơm ngon nên cá thát lát rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện giá cá thát lát được bán tại các chợ ở thành phố Buôn Ma Thuột lên tới khoảng 100.000/kg. Nếu nghiên cứu và phát triển nghề nuôi cá thát lát theo hướng thương phẩm thì đây thực sự sẽ mở ra một cơ hội mới cho ngành thủy sản Đăk Lăk nói chung và người nông dân nói riêng. Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III cho biết, Viện này vừa hoàn thành đề tài khoa học “Nghiên cứu và nuôi thương phẩm cá thát lát tại tỉnh Đăk Lăk”. Đề tài này được Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III thực hiện từ năm 2007, tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Ana. Cá giống được sản xuất theo quy trình sản xuất nhân tạo giống cá thát lát của Trung tâm khuyến ngư Tiền Giang. Phương pháp sản xuất cá giống là cho cá bố mẹ sinh sản bằng vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng khung lưới đặt trong bể bạt có mái che. Tỷ lệ cá sinh sản đạt từ 90 đến 100%; mức sinh sản của cá dao động từ 1.687 đến 1.950 trứng/cá cái. Sau khi trứng nở thành cá bột 7 ngày, cho cá ăn bằng giun quế và giun chỉ từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 30. Mật độ ương nuôi cá giống 400 con /m2 mặt nước. Nguồn thức ăn sử dụng cho cá là thức ăn phối hợp gồm 50% thức ăn hàm lượng đạm 20% với 50% tôm cá tạp. Môi trường nuôi cá thát lát cần có độ pH từ 7,2-7,3 là phù hợp. Đàn cá nuôi tăng trưởng khá nhanh về chiều dài hơn là khối lượng. Từ ngày thứ 120 trở đi đến cuối vụ, khối lượng tăng nhanh, trong khi chiều dài tăng đều. Sau 8 tháng nuôi, cá thát lát đạt chiều dài và khối lượng là 19,27-19,77 cm và 57,22- 61,72 gam. Tỷ lệ cá nuôi sống đạt 58,09-69,91%; năng suất đạt 3,4 - 4,3 tấn/ha mặt nước mỗi vụ. Cá thát lát nuôi tại Đăk Lăk phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh, hàm lượng dinh dưỡng, cho kết quả cá nuôi chất lượng tương đương với cá sinh sống trong môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân khi đưa vào nuôi đại trà cần triển khai nuôi ghép với các loại cá khác nhằm tận dụng diện tích mặt nước và thức ăn thừa, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Với sản lượng trên 4 tấn cá/ha và mức giá 100.000 đồng/kg thì nuôi cá thát lát có thể cho thu nhập trên dưới 400 triệu đồng/ha, mở ra cơ hội mới cho người dân Đăk Lăk. |