00:00 Số lượt truy cập: 3080312

Cá tra, cá ba sa Việt Nam truân chuyên với “catfish” 

Được đăng : 03/11/2016
Nếu bị đưa vào nhóm cá da trơn (catfish) của Mỹ, cá tra, cá basa Việt Nam sẽ lại gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường này…

 

Xung quanh vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tử Cương - Ủy viên thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam

Ông Cương nhận định: Đây là vấn đề khá phức tạp liên quan đến ATVSTP, quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ. Theo từ điển, “catfish” là tất cả những loài thủy sản không có vảy. Với định nghĩa này, không chỉ có loài cá nheo nuôi tại Mỹ mà bao gồm cả cá tra, basa nuôi tại Việt Nam, rộng ra nữa là lươn, trạch, cá trê, trình… đều là “catfish”.

Năm 2002, Hoa Kỳ đã làm sai lệch về định nghĩa “catfish” bằng cách đưa ra Đạo luật An ninh Trang trại và Đầu tư Nông thôn. Đạo luật này đã quy định chỉ có loài cá nheo có tên gọi Ictaluridae mới mang tên “catfish”. Khi Mỹ ban hành luật này, Việt Nam đã phản đối, vì cá da trơn của Việt Nam bán trên thị trường Mỹ đã có thương hiệu catfish rồi.

Sau đó, Việt Nam lại gặp rào cản thứ 2 khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cá tra, basa tại thị trường Mỹ.

Gần đây nhất, năm 2008 Mỹ ban hành một luật mới có tên là Farm Bill (Đạo luật Nông trại 2008), trong đó lại đưa cá tra và basa Việt Nam nằm trong nhóm “catfish”. Tuy nhiên, do nhiều phản ứng từ phía Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, có cả phản ứng của Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ Mỹ, đạo luật Farm Bill chưa đi đến kết luận định nghĩa về thuật ngữ “catfish” mà giao cho Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ xây dựng và trình cho Văn phòng Quản lý và ngân sách của Nhà Trắng quyết định.

Theo tờ Washington Post (ra ngày 16/2/2010), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ định nghĩa “catfish” bao gồm 2 loại: cá nheo tại Mỹ và cá tra, basa của Việt Nam.

- Hội Nghề cá Việt Nam có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?

Quan điểm của Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, đây là một việc làm không đẹp. Chúng ta cần phải có tiếng nói để Chính phủ Mỹ, đặc biệt là Văn phòng Quản lý và ngân sách của Nhà Trắng cân nhắc về định nghĩa này sao cho có cơ sở khoa học, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tránh để ảnh hưởng đến quan hệ thương mại cũng như quan hệ chính trị đang ngày càng tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.

- Nếu quy định này được áp dụng, sẽ gây khó khăn gì cho cá tra, basa Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi đã nghiên cứu luật Farm Bill của Mỹ. Nếu định nghĩa cá tra, basa của Việt Nam thuộc nhóm “catfish” thì cơ quan kiểm soát sẽ thay đổi từ Cục Dược phẩm và Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ (FDA) sang Cơ quan Kiểm soát An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Hai cơ quan này có tư cách kiểm soát khác nhau.

Chúng ta cần có quy định tương ứng với Farm Bill để áp dụng cho đối tượng nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Về kỹ thuật thì chúng ta không gặp khó khăn gì. Bởi vì từ năm 1994, ngành thủy sản với cơ quan quản lý chất lượng là Cục Quản lý chất lượng và thú y thủy sản (nay là Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản) và các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, sản xuất giống đã thực hiện kiểm soát VSATTP từ ao nuôi đến bàn ăn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp khó khăn về mặt quản lý. Khi thay đổi, phong cách kiểm soát sẽ khác nhau, chu kỳ kiểm soát khác nhau, đặc biệt là mối quan hệ với FDA từ năm 1994 đến nay sẽ không còn hiệu lực. Chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.

- Thưa ông, chúng ta nên làm gì để chủ động ứng phó nếu quy định của Hoa Kỳ được công bố và có hiệu lực?

Mong muốn của Việt Nam là Hoa Kỳ hãy nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khi đưa vào luật. Nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ vui vẻ chấp thuận và đánh giá cao hệ thống xây dựng luật pháp của Mỹ. Nhưng nếu họ vẫn ban hành đạo luật này, trước tiên chúng ta nên nghiên cứu luật Farm Bill, những nội dung liên quan đến ATVSTP cá tra và basa, để phổ biến ngay cho cơ sở sản xuất thức ăn, sản xuất giống, nuôi trồng, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chủ động thực hiện theo.

Thứ hai, Việt Nam phải có quy định tương ứng với Farm Bill để áp dụng cho đối tượng nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Thứ ba, chúng ta cần có những biện pháp kỹ thuật hỗ trợ về mặt quản lý, giúp cho các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất cá tra và basa có thể chủ động hơn và hiệu quả hơn trong việc đáp ứng các quy định của Hoa Kỳ.

- Trân trọng cảm ơn ông!