00:00 Số lượt truy cập: 3077315

Cá tra xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế phi lý 

Được đăng : 03/11/2016
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đang đối diện với những thách thức và khó khăn lớn trước thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tăng mức thuế chống bán phá giá lên đến 4,22 USD/kg (bằng khoảng 130% so với giá bán sang Mỹ). 

Không bán phá giá

Trong cuộc họp diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 14-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định quan điểm cá tra Việt Nam không bán phá giá tại thị trường Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, thông tin DOC dự định tăng thuế chống bán phá giá được phái đoàn thủy sản Mỹ cung cấp cho Việt Nam tại cuộc họp "Mở rộng đường cho con cá Việt Nam vào Mỹ" với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Theo đó, DOC dự kiến tăng mức thuế bán phá giá lên 130% bằng cách chọn Philippines làm nước thứ 3 thay thế Bangladesh để xem xét áp mức thuế chống bán phá giá lên con cá basa Việt Nam.

Theo Hiệp định về chống bán phá giá của WTO (ADP), bán phá giá là việc bán một hàng hóa nào đó với giá thấp hơn giá của nó trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Khi giá xuất khẩu thấp hơn so với giá trị bình thường của hàng hóa thì nước nhập khẩu được quyền áp dụng thuế chống bán phá giá để bảo hộ cho sản xuất trong nước, vì bán phá giá bị cho là hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

DOC đã lợi dụng những quy định của WTO để áp đặt mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Do Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nên theo quy định của WTO, để điều tra việc bán phá giá, DOC có quyền sử dụng giá thành sản phẩm (bao gồm chi phí nhân công, chi phí nuôi trồng, sản xuất…) của một quốc gia thứ ba làm căn cứ so sánh với giá bán tại thị trường Mỹ.

Theo VASEP, việc sử dụng Philippines thay thế cho Bangladesh là một quyết định gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vì giá thức ăn cho cá tra ở Việt Nam chỉ khoảng 0,5 USD/kg, trong khi ở Philippines gần 2 USD/kg. Ngoài ra, phí lao động, phí quản lý doanh nghiệp tại Philippines cũng cao hơn hẳn so với Việt Nam.

Có thể kiện lên WTO

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một công ty xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, cho rằng quyết định sơ bộ này thật sự bất hợp lý và không công bằng, hoàn toàn đi ngược lại những cam kết WTO về tự do thương mại.

Theo Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, hành động ngoài mong đợi và bất hợp lý này chỉ có thể được lý giải bằng áp lực chính trị mà các nguyên đơn (CFA - Hiệp hội các nnuôi Catfish của Mỹ) đã tạo ra cho DOC gần đây.

 Áp lực này còn xuất phát từ những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm ngăn cản thương mại tự do, hỗ trợ xuất khẩu từ Mỹ và đặc biệt là để bảo đảm an toàn cho việc tái bầu cử của những nghị sĩ yếu thế trong Quốc hội Mỹ.

Việc các doanh nghiệp nuôi cá da trơn Mỹ ngày càng khó khăn trong việc cạnh tranh với cá tra Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy Hiệp hội các nnuôi Catfish của Mỹ tạo áp lực lên DOC nâng mức thuế bán phá giá với cá tra Việt Nam.

Với sự hỗ trợ đắc lực của các luật sư và VASEP cam kết nỗ lực hết mình nhằm thuyết phục DOC thay đổi phán quyết hiện thời, dùng những nguồn dữ liệu thay thế thật sự hợp lý. Philippines hoàn toàn không thích hợp để trở thành một quốc gia thay thế và Bộ Thương mại Mỹ nên sử dụng lại Bangladesh. Việc tranh đấu này không loại trừ khả năng Vĩnh Hoàn sẽ kiện DOC lên Tòa án Thương mại Quốc tế.

Luật sư Andrew B.Schroth, Công ty luật Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP (Mỹ) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và VASEP để có được những dữ liệu thuyết phục DOC trong những lần kháng kiện sắp tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ kế toán phù hợp với các quy định của luật pháp và chuẩn mực quốc tế, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tình hình kinh doanh nhằm chuẩn bị sẵn sàng các chứng cứ, lập luận chứng minh không bán phá giá.