Ðáng chú ý là các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR 5140, Thục hưng 6, Ðại dương 1, Bồi tạp sơn thanh, v.v. được đưa về HTX, cán bộ khuyến nông đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện chuyển giao kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, kỹ thuật gieo thẳng bằng tay cho nông dân. Ðối với một số giống lúa thuần cho năng suất cao và ổn định như KD 18, LT 2, Bắc thơm 7, v.v, vẫn được coi là giống chủ lực trong số diện tích trồng đại trà. Một số chân ruộng trũng vẫn trồng giống lúa truyền thống My Sơn 4, B-Tel. Ngoài ra, một số giống cây trồng khác như ngô lai, lạc giống mới đang được triển khai tại cơ sở. Cây ngô được trồng tại vùng đất bãi ven sông với giống LVN10, CP 888, CP 989. Vùng khô hạn, đồi cao phải nhờ mưa xuân thì trồng các giống ngô nếp ngắn ngày. Riêng cây lạc, trên vùng đất ẩm thì trồng lạc nhân giống mới bằng kỹ thuật gieo lạc thóc và trồng xong trước ngày 10-2.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Trần Văn Bách, hiện nay việc thực hiện lịch gieo mạ xuân, lạc, ngô trồng vụ xuân 2010 đã được cán bộ nông nghiệp, nhất là cơ quan khuyến nông của tỉnh tập huấn tại cơ sở. Các HTX nông nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng với công ty khai thác công trình thủy lợi để bảo đảm đủ nước phục vụ làm đất, tưới tiêu kịp thời cho cây trồng vụ đông xuân. Ðể giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, chống lãng phí. Sở đã hướng dẫn nông dân thực hiện phương châm "bón đúng, bón đủ và bón cân đối tỷ lệ NPK" theo từng chân đất, từng loại cây trồng. Mặt khác, thực hiện "ba giảm, ba tăng", đó là giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu, giảm lãng phí nước. Ba tăng bao gồm: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả.
Cơn bão số 11 mang theo trận lũ lịch sử đã để lại hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp tỉnh Bình Ðịnh. Hiện nay, ngành nông nghiệp và bà con nông dân của tỉnh này đang khẩn trương dồn sức khắc phục hậu quả bão, lũ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào vụ sản xuất đông xuân - vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Ðịnh Hồ Ngọc Hùng: Ðể triển khai vụ sản xuất đông xuân đúng kế hoạch, thời gian qua, sở đã thành lập các đoàn công tác đến các địa phương vùng lũ phối hợp với chính quyền và nhân dân tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ. Hiện nay, các đơn vị quản lý thủy lợi, các địa phương cũng đã tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, các hội đoàn thể... nhanh chóng hàn khẩu các đoạn đê sông, đê biển, hệ thống kênh mương nội đồng... để sản xuất đông xuân đúng thời gian quy định. Ðến đầu tháng 12 này, việc khắc phục hậu quả bão lũ đã cơ bản hoàn tất, các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất mới cũng đã sẵn sàng. Trong đó vấn đề thiếu hụt giống lúa khá nghiêm trọng cũng đã được khắc phục.
Từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, Sở NN và PTNT Bình Ðịnh đã chỉ đạo Trung tâm giống cây trồng tỉnh có biện pháp mua và cung ứng đủ lượng giống bị thiếu. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có quyết định hỗ trợ ngân sách mua thêm 304 tấn lúa lai. Ðến nay, nguồn giống cho vụ sản xuất đông xuân tới đã chuẩn bị đủ. Phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cũng đã sẵn sàng.
Phó Giám đốc Hồ Ngọc Hùng cho biết thêm: "Với diện tích 47.000 ha lúa của vụ đông xuân này, theo tính toán nhu cầu phân bón cần khoảng 29.000 tấn các loại. Ðể bảo đảm nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa qua, ngành đã chủ động làm việc với các DN kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đều khẳng định sẽ bảo đảm đủ nguồn cung cấp cho nông dân. Do vậy, vấn đề vật tư nông nghiệp cho sản xuất là không lo. Tuy nhiên, để việc kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu bảo đảm chất lượng, ngành nông nghiệp Bình Ðịnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chất lượng..."
Vụ đông xuân 2009-2010 Tiền Giang có kế hoạch gieo sạ hơn 82 nghìn ha. Ðây là vụ lúa có ý nghĩa quyết định sản lượng lương thực của tỉnh và lợi nhuận của nông dân, nên sự chuẩn bị chủ động đối phó các loại dịch bệnh trên cây lúa, cũng như phương pháp gieo sạ được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, nông dân các huyện phía đông của tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu muộn thì nông dân các huyện phía tây (Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước) đang gấp rút chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, điều đáng quan ngại là nhiều nông dân vẫn còn sử dụng giống lúa IR 50404, bất chấp sự khuyến cáo của các nhà chuyên môn.
Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Cai Lậy: Qua nhiều năm quan sát và khảo sát sơ bộ trước mùa vụ, khả năng tỷ lệ diện tích trồng giống IR 50404 sẽ chiếm rất cao. Thạc sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Châu Thành cũng cho biết, huyện cố gắng đạt cơ cấu 30% diện tích trồng giống IR50404, 50% diện tích giống chất lượng cao và 20% diện tích còn lại trồng các giống khác. Song, chỉ tiêu này thực hiện sẽ khó khăn vì ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo, còn nông dân tự quyết định chọn giống lúa nào cho vụ đông xuân để đạt hiệu quả. Theo điều tra mới đây của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân năm nay, ở các huyện phía tây có khoảng 70-80% diện tích sản xuất giống IR 50404.
Lý giải vì sao vụ đông xuân này nông dân vẫn chọn trồng giống lúa IR 50404, Tiến sĩ Lê Hữu Hải cho biết: "Ở vụ đông xuân, chất lượng lúa IR 50404 thường khá tốt, ít bạc bụng được thị trường chấp nhận nên thường được giá tốt cộng với năng suất cao, ít chi phí. Mặt khác, nhu cầu loại gạo này trên thị trường vẫn còn, nhất là thị trường xuất khẩu các loại gạo có chất lượng trung bình còn khá lớn". Bên cạnh đó, theo nhiều người dân, một phần của nguyên nhân trên còn là do những năm qua, giá lúa chất lượng cao không ổn định, có những lúc thương lái "chê" khiến cho nông dân không mạnh dạn trồng. Giải pháp được một bộ phận người dân chọn là trồng giống có ưu thế năng suất và giảm chi phí để giảm thiệt hại khi giá lúa, gạo xuống thấp. Từ những dự báo này, Tiến sĩ Hải cảnh báo, giống IR 50404 chiếm tỷ lệ quá cao sẽ có nguy cơ xảy ra bùng phát dịch bệnh. Trong đó, ngoài nguy cơ bùng phát rầy nâu, các bệnh khác như cháy lá... cũng có điều kiện lan rộng. Riêng ở Cái Bè, ngoài các nguy cơ trên, còn vấn đề nan giải khác là nếu áp dụng triệt để lịch thời vụ gieo sạ cho "né" rầy thì sẽ bị triều cường; nếu xuống giống tránh được triều cường thì sẽ gặp rầy. Trước tình hình như thế, huyện chỉ còn cách khuyến cáo nông dân sử dụng các giống kháng rầy để hạn chế rầy nâu gây hại.
Ðể hạn chế thiệt hại trong sản xuất trong vụ đông xuân 2009-2010, các nhà chuyên môn khuyến cáo nông dân cần liên kết gieo sạ đồng loạt để "né rầy" hiệu quả; đồng thời chủ động việc bơm thoát nước kịp thời khi xảy ra ngập úng cho từng khu vực.