00:00 Số lượt truy cập: 3080317

Các tỉnh Tây Nguyên dồn sức chống hạn 

Được đăng : 03/11/2016
Nắng nóng khắc nghiệt tại các tỉnh Tây Nguyên đang gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi mực nước các  sông Ba, Sê San, Ayun, Sêrêpôk... đang xuống dần, nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt làm nhu cầu tưới cho hơn 480 nghìn ha cà-phê và hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu các loại ở Tây Nguyên ngày càng trở nên khó khăn.

Huy động mọi phương tiện để chống hạn
cho lúa ở huyện Không Pách (Đắc Lắc).
Hạn hán ngày càng lan rộng  

Tại Tây Nguyên, hạn hán cục bộ bước đầu xuất hiện tại nhiều vùng. Ở Gia Lai, hạn hán diễn ra tại các huyện phía đông như Kông Chro, Krông Pa, Ðak Pơ, Kbang... Tại huyện Mang Yang, khoảng 1.000 ha lúa đại trà đang bước vào giai đoạn làm đòng thiếu nước tưới. Mực nước tại hầu hết các công trình thủy lợi và hệ thống sông suối trên địa bàn huyện xuống rất nhanh và thấp hơn so cùng thời điểm này năm ngoái từ một đến hai m. Hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Kbang, Kông Chro, Krông Pa... đang đối mặt một vụ mùa đầy khó khăn. Còn ở Ðác Lắc cũng đang bước vào thời kỳ nắng nóng nhất trong năm, đã có gần năm nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó lúa nước bị khô hạn 1.865 ha, mất   trắng 697 ha... Trong thời gian tới, nhiều địa phương tiếp tục đối mặt với việc thiếu nước trầm trọng. Tại các huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum); huyện Kông Chro, Krông Pa (tỉnh Gia Lai); huyện Cư M'Gar, Krông Năng, Buôn Ðôn, Lắc... (tỉnh Ðác Lắc); huyện Ðác Min (tỉnh Ðác Nông) và các huyện Bảo Lộc, Ðại Nga... (tỉnh Lâm Ðồng), hàng nghìn ha cây trồng đang bị khô hạn khi mùa mưa đến muộn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa (Gia Lai) Ðinh Xuân Duyên cho biết, hàng nghìn ha thuốc lá và hoa màu của huyện hiện đang thiếu nước tưới. Hiện tại, 600 ha thuốc lá bị khô hạn, cho năng suất kém, 292 ha đất nông nghiệp khác do thiếu nước đã không thể canh tác. Ngoài ra, nắng hạn đã làm cuộc sống người dân khó khăn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt. Ở huyện Krông Pa  có 13 xã dựa vào nước từ sông, suối và các công trình thủy lợi. Toàn huyện có 54 công trình thủy lợi nhưng chỉ có 17 công trình sử dụng có hiệu quả, 13 công trình cho hiệu quả sử dụng kém và 24 công trình không hoạt động. Mỗi ngày, người dân ở đây phải đi gùi nước dưới sông Ba hai, ba lần vì các giếng khoan đều cạn khô không thể dùng được. Trong các tháng cuối mùa khô năm 2010, nguồn nước tưới và nước sinh hoạt sẽ ngày càng cạn kiệt. Mực nước ngầm xuống nhanh do bà con nông dân tích cực tập trung tưới nước cho cây cà-phê, hồ tiêu trong mùa khô. 

Qua khảo sát của Ðoàn Ðịa chất 704 tại các huyện Krông Pách, Krông Búk, Lắc (tỉnh Ðác Lắc), Ðác Min, Ðác Song, Cư Jút (tỉnh Ðác Nông), Chư Sê (tỉnh Gia Lai)..., mực nước ngầm ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Tại các huyện Lắc, Krông Pách, từ năm 2006 trở về trước, có thể khai thác tối đa 0,6 triệu m3/ngày, nhưng hiện chỉ còn chưa đầy 0,4 triệu m3/ngày. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học kiến nghị, đề xuất với các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng giảm diện tích  cà-phê, tăng nhanh diện tích rừng trồng, đồng thời chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý để phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài việc giữ rừng, nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên phải ưu tiên cho nhu cầu dân sinh chứ không thể tìm cách khai thác tưới cà-phê tràn lan, không kiểm soát như hiện nay.

Cánh đồng Nà 27 của xã Ea Kuăng (Krông Pách, Ðác Lắc) lúa vàng xác xơ, những hạt lúa chưa kịp căng tròn đã phải khô cong lại vì không có nước. Nhiều thửa ruộng, nông dân bỏ mặc cho trâu, bò ăn. Chị Hoàng Thị Tâm (thôn Phước Tân 1) nói: Nông dân chúng tôi không ngờ năm nay nguồn nước lại cạn kiệt nhanh đến như vậy. Mọi năm, đến giờ này ở các kênh nước vẫn còn có thể bơm vào ruộng, chỉ những diện tích quá xa mới bị hạn, năm nay thì chỗ nào cũng khô rang, gia đình đã bỏ ra gần một triệu đồng thuê máy tưới nước cứu lúa, nhưng cũng không xuể vì không còn nguồn nước. Nhiều nông dân xót của, phơi nắng cả ngày ngoài đồng để mót lúa. Chị Nguyễn Thị Tuyến (thôn Phước Tân) cho biết, chị và hai người con đi mót lúa gần một tuần nay, ba mẹ con mỗi ngày mót được khoảng 7 kg thóc/người.

Trên cánh đồng ở xã Cư Yang (huyện Ea Ca, Ðác Lắc) cũng đang khát khô, lúa không có nước cho nên hạt nào hạt nấy lép kẹp. Anh Phạm Ðức Dũng (thôn 6) nói: Cánh đồng này vốn chưa có hệ thống thủy lợi, người dân trồng lúa đều nhờ nước mưa hoặc dùng máy bơm nước từ các ao hồ chung quanh. Năm nay, tất cả các ao hồ chung quanh đều cạn khô đáy, nông dân có máy móc cũng đành bó tay nhìn lúa chết cháy. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình anh đầu tư  hơn chín triệu đồng vào diện tích lúa này với hy vọng thu hoạch 60 - 70 tạ lúa nhưng xem ra chỉ thu lại được vài tạ.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng ở tỉnh Ðác Lắc, rất nhiều hồ chứa nước ở xã Ea Kuăng, Krông Búc (Krông Pách), Cư Pan, Cư Yang (Ea Ca), Ea Tul (Krông Bông) đều khô cạn đáy. Theo đó, những cánh đồng chưa có hệ thống kênh mương đi qua, sản xuất chủ yếu nhờ vào nước trời và các ao hồ chung quanh đều rơi vào tình trạng khô hạn. Nông dân các địa phương đang dốc sức để cứu những ruộng lúa còn cứu vãn được. Tại cánh đồng của xã Krông Búc (Krông Pách), mực nước tại kênh chính xuống thấp hơn đường cống dẫn nước vào mương nội đồng, do đó nông dân phải đặt máy bơm để bơm nước vào ruộng cứu lúa. Huyện Ea Ca có gần 370 ha bị hạn, trong đó có hơn 181 ha lúa có khả năng bị mất trắng, huyện đang xin tỉnh làm ba đập dâng tạm thời trên sông Krông Pak, đồng thời cho nạo vét hồ Xuân Phú để lấy nước cứu hạn cho các diện tích lúa ở các xã Ea Ô, Cư Ealang, Cư Bông, Xuân Phú...

Tại Ðác Nông, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, dù trời có mưa ở một số vùng, nhưng do thời tiết nắng nóng lan rộng, cho nên mực nước trên các sông suối, hồ đập trong tỉnh tiếp tục giảm xuống. Hiện phần lớn mực nước các hồ đập đã xuống gần đến mực "cạn kiệt" như: hồ Cầu Tư (huyện Ðắc R'Lấp); Sình Ba (Gia Nghĩa); Doãn Văn, Ðác Huýt, Ðác B'liêng, Ðác Ké (huyện Tuy Ðức); Ea T'ling, Ðác Rông (Chư Jút). Mực nước hồ đập cạn đã làm sáu ha lúa ở xã Nghĩa Thắng (Ðác R'Lấp) bị khô hạn. Các cánh đồng ở xã Quảng Trực, Ðác R'Tíh, Quảng Tân (Tuy Ðức) và cánh đồng xã Ðác Sôr (huyện Krông Nô) cũng có nguy cơ bị hạn cao. Căn cứ vào mực nước trên các hồ đập, cũng như diễn biến thời tiết trong thời gian tới, khả năng đến cuối vụ sẽ có gần 280 ha lúa sẽ bị thiếu nước tưới, trong đó Krông Nô là 155 ha. Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ðác Nông Phạm Hữu Hào cho biết: Khả năng từ nay đến cuối mùa khô sẽ còn nắng nhiều, trong khi đó độ ẩm thấp, cho nên nước ở các hồ đập bốc hơi rất nhanh. Ðến giờ, mực nước bình quân ở các hồ đập trong tỉnh thấp hơn mức trung bình năm trước từ 0,3 đến 0,5 m. Hồ đập cạn đến mực nước chết đã kéo theo một số diện tích cà-phê ở các xã Ðác Gằn, Thuận An (Huyện Ðác Mil) thiếu nước tưới...   

Huy động mọi nguồn lực chống hạn

Nông dân cùng chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên đang dùng tất cả các biện pháp có thể: nạo vét ao hồ, đào giếng, dùng máy bơm đưa nước vào ruộng để chống hạn cho những diện tích có thể cứu vãn được. Ðiều đáng nói là phần lớn các diện tích bị khô hạn đều không nằm trong kế hoạch gieo trồng, không có hệ thống thủy lợi, tất cả đều trông vào nước mưa. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng ở Ðác Lắc đã khuyến cáo chuyển đổi các loại cây trồng thích hợp để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, nhất là vụ đông xuân hằng năm, song người dân vẫn bất chấp, cố gắng mở rộng diện tích gieo cấy. Vụ đông xuân hằng năm, nhiều xã ở Ðác Lắc vượt kế hoạch gieo trồng cây lúa nước. Thậm chí những vùng được coi là trọng điểm hạn hán, diện tích lúa nước càng tăng cao. Thí dụ tại huyện Buôn Ðôn, kế hoạch gieo trồng khoảng 600 ha, qua kiểm tra cho thấy đã lên hơn 750 ha. Huyện Krông Pách, diện tích lúa nước cũng vượt kế hoạch gần 190 ha. Các huyện khác như Krông Búc, Krông Năng, Chư M'Gar, Lắc và TP Buôn Ma Thuột... cũng đều "vượt" kế hoạch từ vài chục ha trở lên. Chi cục Thủy lợi Ðác Lắc cũng cho biết, đến nay các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ bảo đảm tưới được 75-80% diện tích.      

Ðể đối phó hạn hán, thời gian qua, các tỉnh huy động nhân lực, vật lực tập trung nạo vét kênh mương, hồ đập nhỏ, khơi thông dòng chảy đưa nước lên chỗ cao. Ngoài ra, các phương án tưới tiết kiệm, điều tiết nước tưới hợp lý, huy động máy bơm trong dân, hỗ trợ tiền dầu cũng đã được nhiều địa phương tính đến. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút (Ðác Nông) Trương Thanh Tùng, tuy mực nước nhiều hồ đập có giảm, huyện đã đi kiểm tra và xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn cụ thể. Ngoài việc chỉ đạo các địa phương chủ động điều tiết nguồn nước tưới, huyện sẽ trích kinh phí hỗ trợ người dân tiền xăng, dầu tưới, chăm sóc cây trồng ở những nơi bị hạn... Nhiều nông dân cũng đã tự mua sắm thêm máy móc, dụng cụ bơm, tưới nước, dầu tập trung chống hạn cho cây trồng.

Ðể giữ nguồn nước tưới ổn định, các địa phương, vùng phải chủ động điều tiết nguồn nước hợp lý. Thực tế, qua kiểm tra, một số vùng ở huyện Tuy Ðức dù nguồn nước có, nhưng bà con đã không chủ động điều tiết nước hợp lý, dẫn đến hạn hán xảy ra cục bộ. Ðể hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, hiện ngành nông nghiệp Ðác Nông đang đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách như: Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống thất thoát rò rỉ, điều chỉnh phân phối nước tưới hợp lý. Các phòng nông nghiệp, kinh tế ở các huyện, thị xã có kế hoạch chống hạn tại những khu vực dễ bị khô hạn vào cuối vụ. Ðối với những vùng có khả năng bơm tưới từ sông, suối hoặc trong các hồ chứa từ dưới mực nước chết thì phải bố trí máy bơm, kinh phí mua nhiên liệu nhằm tận dụng tối đa nguồn nước tưới...