Dự kiến, diện tích sản xuất lúa hè thu 2008 ở các tỉnh ĐBSCL và ĐNB hơn 1.682.000 ha, năng suất đạt 4,67 tấn/ha, sản lượng 7.857.000 tấn; so với vụ lúa hè thu 2007, diện tích giảm hơn 6.600 ha nhưng sản lượng tăng hơn 94.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh ĐBSCL và ĐNB phải khuyến cáo nông dân cày ải, phơi đất vệ sinh đồng ruộng nhằm cải thiện đất và chia cắt vòng đời của các loại dịch hại nhất là rầy nâu. Đối với các tỉnh ĐBSCL cần thiết phải có một khoảng thời gian không có diện tích xuống giống lúa mới tối thiểu là 4 tuần để đảm bảo tính ổn định và bền vững. Đồng thời, đặc biệt chú ý lịch thời vụ xuống giống lúa hè thu phải theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật.
Về sử dụng cơ cấu giống lúa, Cục Trồng trọt lưu ý các tỉnh nên theo nguyên tắc không canh tác một giống lúa vượt quá 20% diện tích trong cùng một khu vực dù cho đó là giống chống chịu hay giống nhiễm đối với dịch hại, đồng thời phải chú ý đến việc sử dụng hạt lúa khoẻ và kỹ thuật canh tác cho cây lúa khoẻ trong khoảng 20 ngày đầu trong chu kỳ phát triển của lúa, hữu hiệu nhất là áp dụng biện pháp "3 giảm 3 tăng". Do điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác lúa hàng năm, cộng với giá lúa đang ở mức cao, nên đến nay, một số tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An… đã xuống giống lúa xuân hè (hè thu sớm) hơn 255.780 ha (so cùng kỳ vụ hè thu 2007 là 120.000 ha). Đây là cầu nối cho dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và một số loại dịch hại khác phát sinh và phát triển, mặc dù Cục Trồng trọt đã có công văn đề nghị các tỉnh có sản xuất lúa xuân hè hạn chế việc xuống giống sớm, nên bố trí lúa xuân hè vào vụ lúa hè thu và có thời gian giãn cách để tránh sự lây lan của dịch hại. Vì vậy, các tỉnh này cần quan tâm đến công tác phòng trừ RN, VL-LXL để tránh lây lan sang lúa hè thu chính vụ./.