Trả lời: Để hạn chế bệnh vàng lá greening, ngoài việc dùng cây giống sạch bệnh thì việc diệt rầy chổng cánh là rất quan trọng, vì rầy chổng cánh là trung gian truyền bệnh từ cây bị bệnh sang cây khỏe. Bên cạnh đó, chúng còn chích hút nhựa của đọt non, lá non khiến lá non bị rụng, đọt, cành non bị chết khô. Đó là chưa kể trong chất bài tiết của rầy chứa nhiều chất đường mật, tạo môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển, gây cản trở cho việc quang hợp của cây.
Cách nhận biết: Rầy trưởng thành dài khoảng 2,5-3mm, thân và cánh màu nâu xám, xen những vệt trắng vàng, cánh sau ngắn hơn cánh trước. Khi đậu, cả cơ thể và cánh chổng ngược lên trời tạo thành góc 40-45 độ so với bề mặt lá (đây là đặc điểm nhận diện dễ nhất, vì hầu như chỉ có loài rầy này có cách đậu như vậy). Con cái thường đẻ trứng rải rác hoặc thành từng chùm trên đọt non hoặc cuống lá non, gân lá. Trứng rất nhỏ, hình bầu dục có đầu nhọn (giống như trái lê), dài khoảng 0,2-0,3mm, dính thẳng vào mặt lá, màu vàng tươi.
Ấu trùng có 5 tuổi, hình bầu dục, dẹp, mới nở có màu vàng, ít di chuyển. Từ tuổi 3 trở đi màu sắc thay đổi từ vàng xanh đến vàng xám, mầm cánh phát triển che một phần cơ thể. Chúng sống tập trung trên đọt, lá non và tiết ra những sợi sáp trắng che phủ. Thực tế rầy chổng cánh gây hại trực tiếp không nhiều, nhưng nguy hiểm nhất là chúng lây truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh vàng lá greening cho nhóm cây cam, quýt. Khi chích hút nhựa của những cây bị bệnh, rầy lưu giữ vi khuẩn gây bệnh trong tuyến nước bọt, rồi nhân mật số lên, khi chích hút những cây chưa bị bệnh, rầy sẽ truyền vi khuẩn gây bệnh cho những cây này.
Để hạn chế bệnh vàng lá greening, các bạn phải phòng trị rầy chổng cánh, bằng cách áp dụng kết hợp một số biện pháp sau:
- Không nên trồng các loại cây kiểng thuộc họ cam, quýt như: nguyệt quới, cần thăng, kim quýt... (đặc biệt là nguyệt quới) trong hoặc gần các vườn trồng cam, quýt, nhất là vườn sản xuất cây giống, vì đây là những cây ký chủ phụ của rầy. Nếu có trồng những cây kiểng này thì phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời, không để chúng lây lan sang cam, quýt.
- Trồng một số cây chắn gió như dương, bình linh lá... bao quanh vườn cam, quýt để ngăn chặn rầy từ nơi khác bay đến.
- Nên vận động nhiều chủ vườn trong vùng cùng xử lý, cắt tỉa cành, điều khiển các đợt ra đọt, lá non tập trung để dễ theo dõi, phát hiện và xịt thuốc trừ rầy kịp thời, tránh cho cây ra đọt, lá non lai rai quanh năm, tạo nguồn thức ăn liên tục cho rầy.
- Kiểm tra vườn cam, quýt thường xuyên, nhất là vào các đợt cây ra đọt, lá non, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời.
- Để hạn chế bệnh vàng lá lây lan, cần trồng cây giống sạch bệnh, chặt bỏ kịp thời những cây đã bị bệnh đem tiêu hủy. Trước khi chặt bỏ, phải xịt thuốc diệt rầy, không cho chúng bay sang những cây khác.
- Qua quan sát tại các vườn cam, quýt chúng tôi thấy: những vườn có nhiều kiến vàng (Oecophylla smaragdina) là những vườn rầy chổng cánh rất ít, tỷ lệ cây bị bệnh vàng lá rất thấp. Vì thế, nếu có thể được, các bạn nên bắt thả, nuôi nhân kiến vàng trong vườn. Nhớ phải hết sức cẩn thận khi xịt thuốc vì kiến vàng rất dễ bị chết do thuốc.
- Ở những vườn thường bị rầy gây hại, vào mỗi đợt cây ra đọt, lá non, hoặc khi phát hiện có rầy di trú từ nơi khác đến sau những cơn giông, gió to đưa rầy từ nơi khác đến, cần kiểm tra kỹ vườn cây để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời, bằng một trong các loại thuốc như: DC-Tron Plus 98.8EC; Applaud-Bas 27BTN; Virofos 20EC; Applaud-Mipc 25BTN; Vicondor 50EC; Trebon10EC; Bascide 50EC; Butyl 10WP... Khi phun nên tập trung xịt vào những chỗ có rầy bu bám nhiều (các bộ phận non của cây).