00:00 Số lượt truy cập: 3000045

Cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị nông sản 

Được đăng : 03/11/2016

Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, sản xuất nông nghiệp nước ta có những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, sản xuất nông nghiệp nước ta còn đạt được thành tựu lớn hơn nữa, đời sống mọi mặt của người nông dân còn được cải thiện hơn nữa nếu vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được giải quyết tốt hơn.


Lúa gạo là mặt hàng được xã hội, trong nước và nước ngoài chú ý đến nhiều nhất, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm mặt hàng chiến lược này không phải mùa vụ nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Tình trạng được mùa, rớt giá hầu như thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính là khâu bảo quản lúa gạo còn nhiều hạn chế, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Việc tiêu thụ hoa trái nông dân làm ra cũng chẳng mấy sáng sủa. Có những năm, hàng trăm ôtô chở dưa hấu từ miền Trung ra cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, chờ hàng tuần không bán được phải đổ đi. Rồi mỗi vụ vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hàng trăm tấn vải quả bị ứ đọng không nơi tiêu thụ. Người trồng vải phải “méo mặt” khi phải bán với giá chỉ mấy nghìn đồng/kg. Cùng với các sản phẩm trên, một sản phẩm nữa là hạt muối. Nước ta có trên 3000 km bờ biển, tiềm năng sản xuất muối lớn. Trên thực tế, người làm muối vẫn sản xuất ra một khối lượng muối dư thừa, hiện cung vượt cầu 112 nghìn tấn. Điều nghịch lý đáng nói là: Muối của ta thì thừa nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang loay hoay xin hạn ngạch để nhập muối. Do đó, nhiều năm nay vẫn có tình trạng muối ăn thì thừa nhưng muối chất lượng cao (muối công nghiệp thì thiếu). Năm 2010 cả nước phải nhập khẩu 182 nghìn tấn muối, năm 2011 dự kiến nhập 102 nghìn tấn. Muối sản xuất ở trong nước tiêu thụ được ít, giá lại rẻ (chỉ từ 800 đến 1000 đồng/kg), lao động làm muối chỉ thu nhập 30 đến 40 nghìn đồng/một ngày. Với giá bán muối như hiện nay, cứ sản xuất ra 20 kg muối, diêm dân mới mua được 1 kg gạo...

Từ tình hình thực tế việc tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa do nông dân làm ra trong mấy năm gần đây cho thấy, giữa phát triển sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn có nhiều bất cập.

Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước, các ngành có liên quan cần có những chiến lược lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Các cơ quan khoa học cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động, nghiên cứu các tiến bộ khoa học - công nghệ ứng dụng vào sản xuất giống (nhất là các loại cây trồng biến đổi gen); tăng cường cơ giới hóa khâu sản xuất, thu hoạch, phơi sấy, sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch. Trong phân bổ đầu tư, cần chú ý đúng mức hỗ trợ việc xây dựng hệ thống kho tàng, các cơ sở bảo quản, sơ chế nhằm giảm hao hụt, bảo đảm chất lượng sau thu hoạch; Coi trọng hơn nữa công tác khuyến nông, công tác thú y, bảo vệ thực vật, tích cực và thiết thực giúp nông dân áp dụng nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cùng với các chính sách lớn đầu tư cho phát triển sản xuất, Nhà nước cần ban hành và thực thi các chương trình hỗ trợ các ngành, các địa phương... tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi phải cân đối giữa cung và cầu ở trong nước và xuất khẩu. Cần coi thị trường tiêu thụ kể cả trong nước và nước ngoài trên cơ sở xây dựng quy hoạch và phương án sản xuất; Nhanh chóng khắc phục và xóa bỏ tình trạng sản xuất cây trồng, vật nuôi, tùy tiện theo cảm tính...

Cùng với việc phát triển sản xuất để tiêu thụ được sản phẩm cho nông dân, mỗi địa phương, mỗi ngành có liên quan cần rà soát lại các quy hoạch (quy hoạch phải đi trước một bước) từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở của quy hoạch cần thiết phải điều chỉnh để tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình phát triển nông nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách khoa học, đảm bảo cho người sản xuất nông nghiệp, người làm công tác chế biến yên tâm, gắn bó với nghề nông, gắn bó với ruộng đồng.