Trong kế hoạch 5 năm tới, tỉnh Lâm Đồng đề ra rất nhiều mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị các sản phẩm nông nghiệp bằng đẩy mạnh ứng dụng NNCNC. NNVN đã ghi nhận ý kiến của một số “người trong cuộc” tâm huyết nhiều năm trong lĩnh vực đầy mới mẻ này về hướng đi, cũng như mong muốn có thêm sự quan tâm đầu tư xứng tầm hơn…
Ông Phạm Văn Án – Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng:
Hiệu quả của chương trình NNCNC tại Lâm Đồng là rất lớn khi năng suất và chất lượng sản phẩm đều rất cao, giá trị và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần. Qua đó, người dân đã thấy rõ lợi ích của áp dụng NNCNC, tự thân họ cảm thấy có nhu cầu đi theo hướng sản xuất bền vững này và tạo ra một nền nông nghiệp chất lượng cao tại Lâm Đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng NNCNC vào sản xuất, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Nghị quyết riêng về vấn đề này (giai đoạn 2011 - 2015) nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và DN. Thực hiện Nghị quyết, Sở NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch và quản lý tốt công tác phát triển vùng sản xuất đối với các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản ứng dụng CNC, tạo ra các sản phẩm có giá trị và lợi thế cạnh tranh cao theo định hướng phân bố như sau:
Vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với tổng diện tích 10.000 ha. Vùng sản xuất chè ứng dụng CNC tại Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc với diện tích 8.000 ha. Vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC trong các khâu tưới tiêu, giống, quy trình canh tác, bảo quản chế biến sau thu hoạch tại Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Đà Lạt, Bảo Lộc với diện tích 15.000 ha. Vùng lúa chất lượng cao ứng dụng CNC tại các khâu giống, làm đất, gieo sạ, quy trình canh tác tại Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương với diên tích 4.000 – 4.500 ha. Đồng thời quy hoạch phát triển nuôi cá nước lạnh ở những địa phương có điều kiện phù hợp…
Nét mới trong giai đoạn sắp tới là chúng tôi có đặt ra việc ứng dụng CNC vào khâu bảo quản sau thu hoạch, cao hơn nữa là công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng. Để đẩy nhanh mục tiêu này, rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của nhà nước và các DN vào lĩnh vực ứng dụng NNCNC trong thời gian tới. Thuận lợi lớn nhất hiện nay là Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ đều đã có các Quyết định và Thông tư về việc ứng dụng NNCNC vào sản xuất, mà giai đoạn 7 năm thực hiện trước đây của chúng tôi chưa hề có.
Ông Lê Quang Tú – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng:
Để triển khai các lĩnh vực NNCNC thời gian tới, theo tôi nhà nước cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn nữa về nguồn vốn, cơ sở vật chất, con người… vì hiệu quả kinh tế trong việc áp dụng CNC tại Lâm Đồng đã quá rõ ràng.
Trước hết ở Lâm Đồng có mấy cây chủ lực như rau, hoa, cà phê, chè, dâu tằm… mà Trung tâm đang nghiên cứu và chuyển giao theo chương trình NNCNC. Ví dụ như cây dâu tằm, Trung tâm đã chọn tạo ra được một số giống có năng suất gấp 2 lần giống địa phương, được Bộ NN-PTNT công nhận và được chuyển giao sản xuất tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Giống dâu tằm này đem lại thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/ha so với 60 – 70 triệu đồng/ha trước đây. Hay như giống tằm, Trung tâm nghiên cứu thành công loại tằm phù hợp với điều kiện giao mùa, thích nghi với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất và đặc biệt giải quyết được vấn đề nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chuyển giao giống cây cà phê chất lượng cao. Qua việc khảo nghiệm dòng vô tính cho kết quả rất tốt, năng suất 6 tấn/ha, tỷ lệ chín đồng đều cao. Ngoài ra, Trung tâm còn nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, loại nấm đặc biệt quý hiếm, có giá trị rất cao; nuôi cấy mô trên giống hoa hồng môn và được người dân rất thích, hiện không đủ hàng để cung cấp…
Những ví dụ trên đã chứng tỏ việc ứng dụng NNCNC là xu thế tất yếu và là nhu cầu nội tại của tất cả mọi người. Và trong tương lai, khi chúng ta có sự đầu tư lớn, tất yếu sẽ cho ra kết quả tương xứng, tạo ra bước đột phá, thậm chỉ là cuộc “cách mạng” lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
TS. Phạm S – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng:
Sở Khoa học và Công nghệ được giao thực hiện nghiên cứu rất nhiều dự án liên quan đến ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng. Chúng tôi sẽ tập trung liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra trong 5 năm tới trong việc đẩy mạnh ứng dụng NNCNC: công nghệ sinh học, khảo nghiệm các loại giống cây trồng, hướng đến vùng sản xuất an toàn và bền vững quy mô lớn, phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản. Hiện đã có hoa Đà Lạt, rau Đà Lạt, dứa Cayen Đơn Dương, cà phê Di Linh, chè Blao Bảo Lộc, lúa gạo Cát Tiên đã làm thành công và sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho cá nước lạnh, cà phê – chè cao nguyên Đà Lạt. Đồng thời Sở cũng tập trung làm các chương trình nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen; các giải pháp cho cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu và cách thức để khai thác nông nghiệp một cách bền vững nhất.
Đặc biệt, trong năm 2012, chúng tôi sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu quan trọng để chứng nhận thành phố Đà Lạt là “Vùng sản xuất NNCNC đầu tiên trong cả nước”. Đồng thời Sở cũng triển khai 1 đề án mang tầm quốc gia: “Khu Công nghệ sinh học và ứng dụng CNC Đà Lạt” nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng canh tác theo một quy trình chuẩn, nâng sản lượng và giá trị xuất khẩu lên 1,5 lần so với hiện nay. Tất nhiên, để thực hiện hiệu quả những mục tiêu này, sự quan tâm đầu tư của trung ương và địa phương sẽ là đòn bẩy quan trọng để Lâm Đồng thực sự trở thành trung tâm ứng dụng CNC của cả nước.