Cân đối nhu cầu dự trữ gạo và thiệt hại trễ hợp đồng
Được đăng : 03/11/2016
Bộ Thương mại đã chủ trì cuộc họp đột xuất để nghe các sở thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL báo cáo sơ bộ về diễn biến thực hiện Công điện số 1845 ngày 12/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm ngừng xuất khẩu gạo. Dự cuộc họp còn có đại diện Bộ Tài chính và Cục Hải quan Tp.HCM.
Đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Thương mại cho biết việc điều hành xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm diễn biến đúng theo yêu cầu bảo đảm lợi ích của đất nước, doanh nghiệp và bà con nông dân. Cách đây không lâu, Bộ Thương mại dự kiến khi xuất khẩu đạt 4.750.000 tấn gạo mới có kiến nghị cụ thể về hạn ngạch cả năm 2006.
Trước thực trạng diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa, Chính phủ đã chủ động cho ngừng xuất khẩu gạo theo các hợp đồng thương mại từ ngày 12/11, kiểm soát chặt chẽ lượng gạo mua bán, phục vụ xuất khẩu không để rối loạn giá, tác động đến vấn đề an ninh lương thực. Chủ trương trên đã được các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.
Ngay sau khi nhận được Công điện 1845, BCH Hiệp hội đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên báo cáo diễn biến đến trưa ngày 13/11 và ngưng ngay việc mua lúa gạo hàng hóa dự trữ xuất khẩu nhằm không làm giá tăng lên. Thay mặt Hiệp hội lương thực Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: từ tháng 6 Hiệp hội đã căn cứ lượng lúa thu hoạch để hướng dẫn các thành viên ký hợp đồng xuất khẩu phù hợp về lượng bán và thời điểm giao hàng.
Hiệp hội cũng điều hành hướng dẫn giá gạo xuất khẩu sát với thị trường thế giới, có lợi cho các doanh nghiệp. Đến ngày 12/11, các thành viên Hiệp hội đã xuất khẩu tổng cộng 4.488.000 tấn gạo, thu kim ngạch hơn 1.135 triệu USD. (Lượng gạo xuất khẩu của Hiệp hội chiếm hơn 95% lượng cả nước xuất khẩu). Hiện nay, các doanh nghiệp thành viên đã đưa gạo vào kho cảng, đang xếp lên tàu 115.930 tấn. Các tàu đã hợp đồng ăn hàng trong tháng 12 là 53.448 tấn.
Ngoài số lượng trên, lượng tồn kho của các thành viên có 121.000 tấn. Hàng chuẩn bị lên tàu ngoài số lượng giao cho Indonesia và Cuba theo hợp đồng Chính phủ sẽ tiếp tục rời bến còn có 20.000 tấn theo hợp đồng thương mại của Công ty lương thực, thực phẩm Vĩnh Long. Tàu đã vào cảng Sài Gòn sau 14h ngày 12/11 nên việc xếp hàng cho hợp đồng này phải tạm thời ngưng lại. Các doanh nghiệp của Hiệp hội còn có 53.444 tấn hàng container tấm gạo và nếp đang chờ giao. Nếu Thủ tướng cho phép giao luôn số lượng này thì Hiệp hội vẫn tồn kho 90.000 tấn, đưa ra thị trường bảo đảm bình ổn giá.
Đại diện các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp cũng thông báo số lượng tồn kho mỗi địa phương hiện tại từ 10.000-20.000 tấn gạo xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng giá gạo nguyên liệu xuất khẩu vừa qua tăng từ 500-700 đồng/kg là do các chủ hàng thương nhân bám sát giá thị trường thế giới, riêng giá lúa chỉ tăng chút đỉnh so với tháng trước, hiện ở mức 3.000-3.100 đồng/kg, không quá cao như một số thông tin đã đưa.
Việc các doanh nghiệp mấy ngày qua ngưng mua gạo nguyên liệu đã làm giá giảm khoảng 500 đồng/kg, riêng gạo tiêu dùng nội địa gần như 3 tháng qua mức tăng không đáng kể.
Ông Trần Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM, cho biết theo đúng tinh thần của công điện, các công chức hải quan phân định rõ việc kê khai làm thủ tục hải quan và xếp hàng lên tàu. Tàu vào cảng theo các hợp đồng thương mại sau ngày 13/11 sẽ không được giải quyết ăn hàng trừ khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Sự chấp hành nghiêm ngặt này khiến nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có cách cân đối chính xác nhu cầu lương thực tiêu dùng thời gian tới.
Đến tháng 12, lúa mùa các tỉnh ĐBSCL sẽ đi vào thu hoạch, trước đây sản lượng dự kiến đạt 1,6 triệu tấn, nay do dịch bệnh vẫn có thể đạt 1,2-1,3 triệu tấn, có 300.000-400.000 tấn lúa hàng hóa. Nguồn hàng này sẽ cân đối dự trữ cho mùa xuất khẩu tới nên việc hủy toàn bộ các hợp đồng từ nay đến cuối năm, nhất là các hợp đồng mua lúa gạo đặc sản, tấm nếp có thể dẫn tới mất mối khách hàng truyền thống. Các doanh nghiệp kiến nghị qua cân đối, Chính phủ có thể sớm giải quyết cho xuất khẩu hết lượng hàng tồn kho.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại đồng ý với đề xuất của Phó Cục trưởng Cục Vật giá (Bộ Tài chính) là các doanh nghiệp cần xác định cụ thể mức thiệt hại do không được giao hàng theo hợp đồng đã ký trước khi có Công điện 1845. Sự thiệt hại cần tính đến cả các khoản phạt theo thông lệ quốc tế do giao trễ hoặc không giao hàng.
Các doanh nghiệp tin rằng cùng với nỗ lực chiến thắng dịch bệnh của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, việc xử lý lượng hàng tồn kho sẽ được giải quyết hết sức linh động, để việc kinh doanh xuất khẩu gạo những năm tới sẽ tiếp tục mang về nhiều lợi ích cho đất nước.