00:00 Số lượt truy cập: 3040641

Cần nâng cao nhận thức của người dân về rau an toàn 

Được đăng : 03/11/2016

Rau an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ con người trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên không phải bất cứ người tiêu dùng nào cũng có kiến thức hiểu biết về rau an toàn để từ đó có ý thức hơn về trồng trọt, chăm sóc và sử dụng rau an toàn đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng xã hội. Vấn đề ngộ độc rau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày. Khi dùng rau không an toàn sẽ gây nên các bệnh cấp tính và mãn tính ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng như bệnh ung thư, loãng xương, thoái hoá khớp... Do đó vấn đề rau an toàn cho người tiêu dùng hiện nay trở thành vấn đề mang tính cấp bách trong các chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm của toàn xã hội mang tầm quốc gia.


Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rau an toàn là những sản phẩm rau tươi (gồm các loại rau ăn củ, lá, thân, hoa, quả...) có chất lượng giống như đặc tính giống của nó, hàm lượng các chất độc, kim loại nặng, hàm lượng đạm nitơrat, mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh ở dưới mức cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là rau an toàn. Về chỉ tiêu hình thái phải được thu hoạch đúng theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại rau, không được dập nát, hư thối, lẫn tạp chất sâu bệnh.

Vì vậy để có rau an toàn, trong sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đất trồng rau không bị ảnh hưởng của các chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện, nghĩa trang. Đất trồng rau không bị nhiễm các hoá chất độc hại cho con người và môi trường.

- Về phân bón: chỉ được dùng các loại phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục, tuyệt đối không được dùng các loại phân hữu cơ còn tươi như phân chuồng , phân bắc, nước giải.....để tưới và bón cho rau. Sử dụng hợp lý giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, không lạm dụng các loại phân vô cơ để bón rau nhất là phân đạm và các chất kích thích sinh trưởng. Đối với rau ăn lá phải kết thúc bón đạm trước thu hoạch tối thiểu 20 ngày.

- Về nước tưới: chỉ được dùng các loại nước sông suối, nước giếng khoan không bị ô nhiễm các hoá chất độc hại, kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh. Tuyệt đối không được dùng nước thải trực tiếp từ khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu dân cư tập chung, nước ao tù đọng, nước gần các nghĩa trang để tưới rau.

- Khi cần thiết phải phòng trừ sâu bệnh, nhất thiết phải dùng các loại hoá chất ít độc hại, nhanh phân huỷ không gây ô nhiễm cho môi trường và sản phẩm rau; tức là thuốc phải nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau (theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tuân thủ nghiêm nghặt thời gian cách ly đối với từng loại thuốc.

Hiện nay một số người dân ở thành phố muốn có rau an toàn nên tự đổ đất trên sân thượng hoặc cho đất vào hộp xốp để trồng rau... Nhưng đất trồng rau lại được lấy từ đất cống rãnh thoát nước của khu dân cư, hoặc đất bị ô nhiễm có hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh rất cao. Để có rau non xanh người trồng rau lại bón quá nhiều phân đạm hoặc phun phân bón lá, dùng nước thải từ cống rãnh, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý.. để tưới rau. Như vậy tuy rau tự trồng không có dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng lại chứa một lượng lớn kim loại nặng, đạm nitơrat và vi sinh vật gây bệnh.

Vì vậy để nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và rau an toàn nói riêng cần đòi hỏi các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó rau an toàn là mục tiêu quan trọng do loại thực phẩm này không thể thiếu và chiếm tỷ lệ lớn trong các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày.