00:00 Số lượt truy cập: 3077316

Cần quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 14/9, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã làm việc với Tổng cục Thủy Sản về thực trạng sản xuất, nuôi tôm hiện nay, đồng thời chỉ đạo xây dựng phương án chiến lược phát triển tôm bền vững.



Vẫn là nghề "siêu lợi nhuận"


Tính đến tháng 8/2010, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ đã đạt 222.480 tấn, trên khoảng 39% diện tích. Như vậy, với 61% diện tích tôm chưa thu hoạch cùng với cùng với diện tích nuôi thêm trong 4 tháng cuối năm, sản lượng tôm nước lợ nuôi năm nay có thể đạt tới 500.000 tấn. Cà Mau là địa phương có diện tích thả tôm nước lợ nhiều nhất cả nước với 282.527 ha, chiếm 43,2%. Kế đến là tỉnh Bạc Liêu có 123.197 ha và các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh…


Tổng diện tích thả nuôi tôm sú trong cả nước đến tháng 8/2010 là 633.896 ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt 188.267 ha, sản lượng thu hoạch 69.350 tấn. Năng suất thu hoạch tôm sú nuôi thâm canh khoảng 2,4-6,5 tấn/ha, nuôi bán thâm canh khoảng 0,8-1 tấn/ha. Còn lại 445.629 ha được nuôi theo phương pháp quảng canh, quảng canh cải tiến cho thu hoạch 95.770 ha. Đặc biệt diện tích tôm thẻ chân trắng từ đầu năm đến nay tăng đột biến lên 20.843 ha, bằng 135% so với cùng kỳ năm 2009.


Theo Tổng cục Thủy sản, năng suất tôm thẻ chân trắng ở hình thức nuôi thâm canh cao nhất là ở các tỉnh ven biển miền Trung như: Bình Thuận đạt 13 tấn/ha, miền Nam khoảng 9,3 tấn/ha/vụ, còn miền Bắc chỉ đạt trung bình 8,7 tấn/ha. Nhìn chung năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng ở cả 3 miền tăng đều đặn từ năm 2007 đến nay, hiện các hộ nuôi thả mật độ rất dày từ 80-200 con/m2 vì vậy ở các doanh nghiệp, công ty và các hộ nuôi quy mô lớn, có kĩ thuật, công nghệ thì năng suất có thể lên tới 20-25 tấn/ha/vụ.


Hiện tôm sú trên thị trường có giá bán 105-135 ngàn/kg trong khi giá thành sản xuất từ 75-85 ngàn/kg, lợi nhuận thu được từ 30-50 ngàn, sau khi trừ chi phí. Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng, giá bán trên thị trường 50-60 ngàn/kg thì lợi nhuận cũng đạt 20 ngàn. So sánh lợi nhuận giữa nuôi tôm sú với tôm thẻ chân trắng, tính trên 1 kg sản phẩm thì tôm sú cho cao hơn nhưng tính theo 1 đơn vị diện tích thì tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao hơn gấp 3-4 lần. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đối với những doanh nghiệp, hộ nuôi tôm thâm canh 3 vụ đạt năng suất trên 20 tấn/ha/vụ thì nuôi tôm đang là nghề “siêu lợi nhuận”, có thể mang lại 1,2 tỉ đồng/ha/năm.


Chính sách nào cho tôm?


Năng suất, sản lượng đều tăng, cho thấy nghề nuôi trồng tôm đang phát triển khá ổn định tuy nhiên để nghề nuôi tôm trở thành mũi nhọn, là sức bật cho nền kinh tế của các tỉnh ven biển miền trung và miền Nam thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Cục phó TCTS cho rằng hiện ngành tôm còn thiếu một quy hoạch rõ ràng, vì vậy các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư hạ tầng thích đáng. Nhiều vùng tôm còn chưa có điện và phải dùng chung hệ thống thủy lợi với vùng lúa như vậy không đồng bộ, thiếu hoàn toàn kênh dẫn mặn và kênh tiêu thoát.


Trước mắt, Bộ giao cho TCTS khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm, quy hoạch phải đưa ra được danh mục các dự án, các vùng ưu tiên. Phải có phương án quy hoạch hệ thống thủy lợi riêng cho vùng tôm.


Về quản lý chất lượng giống, kiểm soát dịch bệnh, có thể tính đến phương án xã hội hóa kiểm nghiệm giống, tuy nhiên trước đó cần xây dựng quy chuẩn về trại giống và giải quyết những khúc mắc xung quanh mức phí kiểm dịch.


Việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản sẽ được đưa vào kế hoạch năm 2011, trong đó sẽ có quy hoạch riêng cho vùng nuôi tôm.



Vấn đề quản lý dịch bệnh của tôm cũng thực sự đáng quan ngại. Tính đến nay diện tích nuôi tôm sú bị thiệt hại là 23.519 ha, diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại 1.992 ha. Chủ yếu dịch bệnh bùng phát ở 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau. Diện tích thiệt hại của 4 tỉnh này bằng 87% tổng diện tích tôm sú bị thiệt hại. Đối với tôm thẻ chân trắng, tỉnh Quảng Nam bị bệnh nhiều nhất, mất tới 626 ha. Dịch bệnh lan nhanh là do các địa phương còn dùng chung hệ thống cấp thoát nước, tuy nhiên nguyên nhân chính gây bệnh vẫn là con giống. Những hộ nuôi quảng canh còn ham mua giống giá rẻ, không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch nên có thể con tôm yếu hoặc đã mang mầm bệnh sẵn khi gặp điều kiên thời tiết mưa nắng thất thường sẽ bùng phát bệnh.


Cũng theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn tới bệnh dịch đó là phí kiểm dịch khá cao nên có những cơ sở sản xuất giống tôm “trốn” kiểm dịch, chất lượng tôm giống không đảm bảo. Thực trạng sản xuất giống trong nước đang trở nên phức tạp khi số lượng các cơ sở sản xuất giống tôm tăng vọt lên tới 2.770 đơn vị, rất khó quản lý về dịch bệnh cũng như chất lượng con giống. Do vậy, đòi hỏi phải xây dựng quy chế, thắt chặt điều kiện, tiêu chuẩn đối với các cơ sở sản xuất tôm giống. Kiên quyết đóng cửa những đơn vị không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tôm giống cũng cần phải đầu tư sâu nghiên cứu tạo giống bố, mẹ có chất lượng.


Đồng tình với ý kiến đề xuất của ông Tuấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định điểm mấu chốt trong sản xuất là phải làm chủ được công nghệ. Nếu không làm chủ được công nghệ thì mãi mãi vẫn bị lệ thuộc và chỉ đi sau. Ví như cá tra, nhờ làm chủ được giống ta mới phát triển nghề nuôi cá tra bùng phát như hiện nay. Tương tự, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững thì khoa học phải tập trung vào nghiên cứu vào những vấn đề trọng tâm làm nên “dòng chảy” của ngành.