00:00 Số lượt truy cập: 3073998

Cần tăng nguồn vốn vay nông nghiệp, nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016

Những vấn đề nóng bỏng ảnh hưởng đến tình hình phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua và những giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2011 đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đưa ra trên bàn nghị sự trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, khai mạc hôm qua 21/7.


 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể Quốc hội khóa XIII

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt chào mừng 500 đại biểu vừa trúng cử, đồng thời lược qua một số thành tựu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước trong kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến sự điều hành về kinh tế đất nước trong suốt cả nhiệm kỳ tới. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Quốc hội cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề KTXH, NSNN, tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước. Tất cả phải bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. 

Sau phần khai mạc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo về tình hình KTXH, NSNN 6 tháng đầu năm, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011. Trong đó, nhấn mạnh những khó khăn mà nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt. Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 6 so với cuối năm ngoái đã tăng 13,29%, vượt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua (không quá 6%). Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010. Hay tình trạng lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, khu vực SXKD còn gặp nhiều khó khăn do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát. DNNVV gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, một số đã phải thu hẹp quy mô SX. Thị trường chứng khoán trì trệ, thị trường bất động sản suy giảm mạnh...

Để khắc phục, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đã đề ra 8 mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ cần thực hiện trong 6 tháng tới. Đó là phải tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp để hỗ trợ kinh doanh. Thực hiện nhất quán chính sách tài khóa như tăng cường quản lý, giám sát nợ nước ngoài của khu vực DN; tăng cường kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài, bảo đảm trong giới hạn phù hợp, an toàn.

Mặt khác, tiếp tục bảo đảm ổn định cung cầu hàng hóa, không để xảy ra đột biến giá. Các ngành phải tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa thiết yếu. Thúc đẩy SXKD, khuyến khích XK, kiềm chế nhập siêu và thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong SX, trong tiếp cận vốn; xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực cho các DNNVV.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới cần tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bất động sản để tạo kênh huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực tài chính, đất đai phục vụ phát triển. Kiểm soát chặt việc NK hàng tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, hàng xa xỉ, nguyên liệu thô… Mặc dù tinh thần chung là tiếp tục thắt chặt tín dụng, thế chấp, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường thêm nguồn vốn vay cho lĩnh vực SX, XK, nông nghiệp, nông thôn, SX những sản phẩm thiết yếu với đời sống nhân dân, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thực hiện biện pháp giãn (chậm nộp) thuế TNDN phải nộp năm 2011 cho DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng công trình hạ tầng KTXH và một số ngành nghề SXKD quan trọng.

Sớm điều chỉnh lương và hỗ trợ người lao động

Cũng tại phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thông báo kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH, NSNN 6 tháng đầu năm, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011. Ủy ban Kinh tế nhận định, sẽ rất khó khăn để giữ lạm phát ở mức 17% vào cuối năm 2011. Đối tượng bị ảnh hưởng lạm phát nhiều nhất là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cùng những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị. 

6 tháng đầu năm đã có 440 cuộc đình công (bằng 105% so với cả năm 2010), trong đó phần lớn các cuộc đình công xảy ra ở DN có vốn ĐTNN. Cũng theo ông Hiền, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, đa số các DN gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, một số DN phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động bởi lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh. "Nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012 sẽ xảy ra”- ông Hiền cảnh báo.

Ngoài ra, theo một số địa phương, có một số dự án, công trình khởi công từ đầu năm 2011 (trước ngày ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP) có khối lượng thực hiện khá lớn, nhưng vì là công trình khởi công mới nên không thể giải ngân được, trong đó có cả một số dự án giá trị không cao nhưng lại có ý nghĩa hết sức lớn. Những dự án này nếu không được triển khai sẽ gây lãng phí.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị, bên cạnh việc cần tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ, Chính phủ cần điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho DN. Đồng thời cần thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các DN; có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động ở KCN.