Theo Vụ Thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin trước khi tiến hành thương thảo, sử dụng phương thức thanh toán chặt chẽ, an toàn để đảm bảo thu hồi tiền hàng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp rủi ro trong thanh toán với một số đối tác nhập khẩu của Hà Lan.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua một số doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu cá ba sa và thủy sản khác cho Công ty Hoogland Foods BV và Công ty Star Procurement Inc (Starcom Co Inc) của Hà Lan, nhưng khi thanh toán tiền hàng đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp đã giao hàng mấy năm nay nhưng hiện vẫn chưa nhận được tiền thanh toán.
Theo thông tin dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan (cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ thông tin về doanh nghiệp Hà Lan), Công ty Hoogland Foods BV là công ty của 1 người (ông Gert.J Hoodlands), trụ sở công ty cũng là nhà riêng và Công ty Procurement Inc có gốc là công ty của một nước châu Phi, đăng ký kinh doanh tại Hà Lan.
Cơ quan trên cho biết, người giao dịch với phía doanh nghiệp Việt Nam là ông Gert.J Hoodlands, Giám đốc Công ty Hoogland Foods BV, nhưng khi ký hợp đồng thì thường lấy tư cách pháp nhân là Công ty Star Procurement Inc.
Trong giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam, phía nước ngoài (Star Procurement/ Hoogland Foods BV) đều đề nghị phương thức thanh toán D/A (thanh toán nhờ thu chấp nhận chứng từ - người mua hàng sẽ ký chấp nhận lên hối phiếu và gửi lại cho ngân hàng nhờ thu). Tuy nhiên sau khi giao hàng nhưng các “đối tác” nước ngoài cứ... lần lữa không thanh toán.
Vụ Thị trường châu Âu cho biết, đã có doanh nghiệp sang tận Hà Lan tìm gặp ông Gert.J Hoodlands nhưng vẫn khó có thể gặp được, liên hệ điện thoại với Star procurement thì... không có người nghe máy.
Vụ Thị trường châu Âu cho biết thêm, công ty tại Hà Lan này còn thông qua một môi giới Trung Quốc để giao dịch ký hợp đồng nhập khẩu cá từ các công ty Việt Nam, nhưng khi thanh toán tiền hàng các doanh nghiệp xuất khẩu lại bị rơi vào “kịch bản” chần chừ, không thanh toán.
Trước tình huống trên, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải thuê luật sư để nhờ toà án bắt giữ tài sản mới thu được tiền hàng.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường không chú ý là giao dịch với một người nhưng khi ký hợp đồng lại với một tư cách pháp nhân khác mà mình không rõ, đến khi không thu được tiền hàng, tranh chấp xảy ra, đối tác đứng ra giao dịch chỉ nhận là đại lý (agent) của pháp nhân đứng ra ký hợp đồng nhập khẩu và không chịu trách nhiệm pháp lý; liên hệ với đối tác là pháp nhân đứng tên ký hợp đồng thì không liên lạc được, doanh nghiệp Việt Nam thường bị thua thiệt…
“Với những đối tác nước ngoài không nghiêm túc, phương thức thanh toán lại không chắc chắn mà phụ thuộc vào thiện chí của người mua thì việc đòi tiền hàng chỉ có thể thực hiện thông qua luật sư để tiến hành các thủ tục gây sức ép hoặc khởi kiện tại tòa án Hà Lan”, Vụ Thị trường châu Âu nhận định.
Để phòng tránh những rủi ro không thu được tiền hàng khi giao dịch với đối tác nước ngoài, Vụ Thị trường châu Âu khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý, đối với khách hàng mới quen hoặc mới giao dịch, doanh nghiệp cần yêu cầu phía đối tác cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh và tra cứu thông tin trước khi tiến hành thương thảo, sử dụng phương thức thanh toán chặt chẽ, an toàn nhằm đảm bảo thu hồi tiền hàng.
Công ty nước ngoài cũng như công ty Việt Nam khi đã đăng ký kinh doanh là có tư cách pháp nhân, tuy nhiên không phải đối tác có tư cách pháp nhân là yên tâm ký hợp đồng, mà cần chú ý tới khả năng chuyên doanh, số lượng nhân viên, tình hình tài chính, các điều khỏan hợp đồng mà khách hàng đưa ra…
Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tư cách pháp nhân người, công ty giao dịch và người/công ty đứng ra ký kết hợp đồng (trong trường hợp nêu trên, khi tranh chấp xảy ra, người giao dịch chỉ nhận tư cách là đại lý và không chịu trách nhiệm, lúc ký hợp đồng đã lấy danh nghĩa một công ty khác mà doanh nghiệp ta lại không chú ý đến vấn đề này).
Vừa qua, một số cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, như Pakixtan, Singapore, Hà Lan… cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc doanh nghiệp Việt Nam không được thanh toán tiền hàng khi chấp nhận phương thức thanh toán D/A, D/P (thanh toán nhờ thu kèm chứng từ - người mua sẽ gửi lại cho ngân hàng lệnh chi), đặc biệt là giao dịch với những đối tác mới.