Cảnh báo thời kỳ 'bùng nổ giá thực phẩm'
Được đăng : 03/11/2016
Thế giới đã trải qua một năm giá thực phẩm liên tục tăng cao, đẩy chỉ số giá tiêu dùng ở nhiều nước lên ngoài dự đoán. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, năm 2008 và những năm tiếp theo, giá thực phẩm vẫn tiếp tục tăng.
Tờ "Economist", một tạp chí kinh tế có uy tín của Anh, vừa đưa ra cảnh báo, thời kỳ giá thực phẩm thấp kéo dài hơn 30 năm qua có thể đã chấm dứt. Nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kì "giá thực phẩm cao". Liên hiệp quốc và chính phủ nhiều nước đang nỗ lực tăng sản lượng lương thực và trợ giúp người nghèo trong cơn “bão giá”.
Giá thực phẩm tăng vọt
Theo "Economist", tình trạng giá các loại thực phẩm trên thế giới, vốn giảm liên tục từ năm 1974, nay đã tăng vọt lên 75% so với năm 2005 và hiện tượng "bùng nổ giá thực phẩm" đang ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2007, giá lúa mì tăng gấp đôi. Cuối tháng 12 vừa qua, giá lúa mì tại thị trường Mỹ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 USD/giạ (bushel) do giới kinh doanh lo ngại nhu cầu ngày càng gia tăng của thế giới có nguy cơ dẫn tới tình trạng thiếu hụt lớn nguồn cung tại thị trường Mỹ trong năm tới, nhất là trong bối cảnh mùa màng tại một số nước xuất khẩu lúa mì chủ yếu của thế giới bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai.
Tại Liên bang Nga, Bộ Phát triển kinh tế và thương mại cho biết, các mặt hàng rau quả, sữa và các sản phẩm sữa, dầu ăn và trứng đã tăng giá trở lại trong tháng 12 vừa qua, bất chấp các biện pháp hành chính kìm hãm giá của chính phủ. Hai tuần đầu tháng 12, giá tăng 0,4%, còn tính từ 26/11 đến 10/12, giá tăng 0,7%.
Tại Trung Quốc, tháng 11/2007, giá ngũ cốc tăng 6,6%, dầu ăn tăng 35%, thịt lợn tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã phải phối hợp với 5 bộ khác trong chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu 36 thành phố lớn trong cả nước phải dự trữ lương thực, nhằm bình ổn thị trường trong điều kiện giá lương thực đang leo thang.
Các chuyên gia cho rằng, giá thực phẩm tăng ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến người nghèo và các nước nghèo. Kết quả một công trình nghiên cứu cho thấy giá thực phẩm tăng khoảng 30% sẽ kéo mức sống tối thiểu ở các nước phát triển xuống 3%, song tỉ lệ tương ứng đối với các nước nghèo là khoảng 20%.
Cần trợ giúp các nước nghèo và người nghèo
Nguyên nhân chính đẩy giá lương thực thế giới tăng là do tốc độ tăng trưởng cao của các nước có số dân khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đến nhu cầu về ngũ cốc và lúa mì tăng vọt. Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát triển nhiên liệu sinh học cũng góp phần làm lương thực tăng giá.
Mỹ và nhiều nước khác đang khuyến khích phát triển các dạng năng lượng sạch thay thế như ethanol chiết xuất từ ngô và việc này khiến nông dân đổ xô vào trồng ngô thay vì các loại cây lương thực khác. Giá dầu mỏ cao kéo chi phí vận chuyển tăng cũng góp phần quan trọng làm tăng giá thực phẩm.
Trong báo cáo "Triển vọng công nông nghiệp năm 2007-2016", Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO) dự báo giá thực phẩm có thể còn tiếp tục tăng trong vòng một thập kỉ nữa. FAO sẽ phát động chương trình giúp các nước nghèo tăng sản lượng lương thực.
Theo đó, FAO sẽ đầu tư 17 triệu USD từ những nguồn tài chính riêng của tổ chức này, tăng cường đầu tư tài chính cho các nền kinh tế kém phát triển đồng thời khuyến khích, kêu gọi các nước giàu, các tổ chức tài chính quốc tế đóng góp tài chính giúp nông dân mua hạt giống và phân bón phục vụ sản xuất. Nếu thuận lợi, kế hoạch trên sẽ giúp tăng 20% sản lượng lương thực của những nước nghèo.
Một số nước đã thực hiện những biện pháp cụ thể cải thiện bức tranh lương thực. Trung Quốc cho biết, sản lượng ngũ cốc nước này năm nay sẽ vượt mức 500 triệu tấn và là năm thứ tư liên tiếp sản lượng ngũ cốc tăng; ưu tiên hàng đầu của nông nghiệp năm 2008 là tăng sản lượng ngũ cốc và đẩy mạnh chăn nuôi.
Campuchia đang thực hiện chương trình Liên kết giá trị nông nghiệp Campuchia (CVAC) nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khắc phục thiệt hại do hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh gây ra, hình thành thị trường nông sản và hệ thống tài chính tạo cơ sở phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Indonesia nhận định họ có khả năng đối mặt khủng hoảng lương thực trong mười năm tới. Từ giữa tháng 12/2007, nước này khởi động chương trình "hồi sinh ngành nông nghiệp".