“Cao thủ” trẻ nuôi rắn hổ trâu
Được đăng : 03/11/2016
Từ một sinh viên ra trường chưa xin được việc, phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề, với quyết tâm vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Thủy ở thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê (Krông Păk - Đắk Lắk) đã trở thành “cao thủ” trẻ nuôi rắn hổ trâu tại địa phương.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi - Thú y (Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên), năm 2008, Nguyễn Văn Thủy ra trường nhưng mãi mà chưa xin được việc làm ổn định. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh phải đi làm thuê, cuốc mướn cho người dân trong xã để có tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Trong những ngày làm thuê, một lần Thủy tình cờ xem truyền hình thấy giới thiệu về nuôi rắn ráo trâu cho hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Bình Định, nghĩ lại bản thân, thấy có sẵn kiến thức về chăn nuôi, sự chăm chỉ, chịu khó có thừa, Thủy quyết định lập nghiệp bằng mô hình này.
Với quyết tâm và ý chí ham làm giàu của tuổi trẻ, năm 2011, Thủy mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại, nuôi thử nghiệm 20 con rắn hổ trâu, song, do chưa nắm rõ đặc tính của vật nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được chẳng đáng là bao. Không nản lòng, Thủy lại tích cực học hỏi thêm bạn bè, đọc sách báo và tìm đến các trại nuôi rắn thành công để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi có thêm kiến thức từ thực tiễn, Thủy đã thay mới 100 con rắn hổ trâu, chọn lựa kỹ càng để nuôi cố định cho sinh sản, thiết kế lại chuồng trại với diện tích 200m2, chia làm nhiều ô nhỏ riêng biệt, các ô đều được xây bằng gạch kiên cố, vách xung quanh bao lưới nhằm tạo môi trường thông thoáng cho rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, để giữ chuồng trại sạch sẽ và tiện cho việc phân loại kích cỡ rắn, Thủy có khu dành riêng cho rắn đẻ, rắn con và rắn thương phẩm, mỗi chuồng đều lót ổ cho rắn nghỉ ngơi. Cách làm chu đáo của Thủy đã giúp rắn nhanh thích nghi với môi trường nuôi.
Thủy cho biết, loài rắn hổ trâu dễ nuôi, hiền, không có nọc độc, lớn nhanh, ít bệnh tật và đầu ra khá ổn định. Thức ăn chính của rắn cũng dễ kiếm, chủ yếu là ếch, nhái, chuột, gà… hoặc phế phẩm từ gia súc, gia cầm. Thường thì 3 ngày Thủy mới phải cho rắn ăn một lần, riêng mùa đông, rắn hầu như không ăn mà nằm trong tổ 2 tháng liền.
Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì rắn giống sau 6 tháng nuôi là trưởng thành, khoảng 1 năm tuổi rắn sẽ tự bắt cặp (phối giống) và sinh nở. Mỗi rắn mẹ đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa 12-18 quả trứng, nếu ấp trong lò điện thì sau 2 tháng sẽ nở, tỷ lệ nở 85- 90%. Tuy nhiên, khi nhốt chung rắn bố mẹ trong một chuồng thì sau một thời gian phải tách ra để tránh việc tranh giành thức ăn có thể gây thương tích lẫn nhau. Nhất là trong thời kỳ giao phối, rắn đực rất hung dữ, do đó nên bố trí theo tỉ lệ 1đực/2 cái/chuồng, còn rắn con mới nở phải nhốt riêng.
Thủy tiết lộ, hiện con giống đang khan hiếm, tại huyện Krông Păk có không quá 3 trang trại nuôi rắn ráo trâu nên không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Riêng năm 2012, Thủy bán ra khoảng 500 con giống, với giá 300.000 - 400.000 đồng/con và khoảng 400kg rắn thương phẩm, giá khoảng 800.000 đồng/kg, trừ chi phí, trang trại rắn cho lãi 150 – 200 triệu đồng/năm, cao hơn so với nuôi các loài động vật hoang dã khác 3-4 lần.
Ngoài rắn, Thủy còn đầu tư chuồng trại nuôi khoảng 40 con thỏ bố mẹ thuần chủng với các giống Pháp, New Zealand, 20 con kỳ đà nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ việc nuôi rắn ráo trâu. Với quy mô trang trại này, Thủy dự tính mỗi năm thu lãi 350 - 400 triệu đồng.