Lương thực - vấn đề toàn cầu
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, diện tích đất trồng lúa còn khoảng 4,13 triệu ha, so với năm 2000, chúng ta đã mất 316 nghìn ha, tính trung bình mỗi năm giảm tới 50 nghìn ha.
Trong đó, các khu vực đồng bằng sông Hồng (giảm 5,4%), đồng bằng sông Cửu Long (giảm 8,4%) và khu vực Đông Nam bộ (giảm 18,1%) là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đất trồng lúa chủ yếu được chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là làm các khu công nghiệp, sân golf... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: “ĐBSCL là khu vực trồng lúa tốt nhất thế giới, nếu cứ tăng tốc hơn nữa việc chuyển đổi đất lúa sẽ rất nguy hiểm”.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong số hơn 316 nghìn ha đã chuyển đổi, có rất nhiều diện tích đã được đầu tư hệ thống thủy lợi kiên cố, ước tính có 5.000 - 7.000 tỉ đồng đã được đầu tư vào đây.
Từ đầu năm 2008 đến nay, trên thế giới xuất hiện cuộc khủng hoảng lúa gạo với dấu hiệu giá gạo tăng vọt và nạn khan hiếm gạo xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Theo thông báo của FAO, giá gạo Thái Lan trên thị trường thế giới vào cuối tháng 4-2008 đã lên đến hơn 1 nghìn USD/ tấn, so với cùng kỳ năm 2007, tăng gấp 2,6-2,7 lần.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực được các chuyên gia nông nghiệp phân tích: Do dân số thế giới tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ gạo tăng cao, trong khi đó dự trữ gạo lại giảm sút, hiện đang ở mức thấp nhất từ năm 1998 đến nay.
Mặt khác, tốc độ tăng năng suất lúa trong 10 năm trở lại đây giảm một cách đáng kể, một số nước sản xuất lúa ở châu Á năng suất trong vòng 5 năm trở lại đây không hề tăng.
Một số nguyên nhân: sự bất thuận của thời tiết, sự đầu tư cho phát triển nông nghiệp giảm sút trong các thập niên qua, sự bất bình đẳng trong thương mại cũng được đánh giá là những nguyên nhân tác động đến cuộc khủng hoảng lúa gạo hiện nay.
Mặc dù sản lượng lúa năm 2007 của nước ta vẫn đạt 35,58 triệu tấn, tương đương với các năm trước đó, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, năng suất lúa có xu hướng tăng rất chậm, chỉ còn 1,23%.
Theo tính toán, lượng lúa cho tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 75-80%, còn lại dành cho xuất khẩu và dự trữ quốc gia. Theo Bộ NN&PTNT, hiện trạng tỷ lệ dự trữ, tiêu dùng gạo của nước ta đang giảm rõ rệt, năm 2005 chiếm 5,43%, năm 2006 còn 5,39%, và đến năm 2007 chỉ còn 1 triệu tấn, chiếm 4,31%.
Để đảm bảo an ninh lương thực cần duy trì diện tích và sử dụng các giống lúa chất lượng cao |
Phải giữ được 3,9 triệu hécta đất trồng lúa
Theo các nhà chuyên môn, diện tích đất trồng lúa nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ giảm do người dân tự chuyển đổi hoặc do nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa được thực hiện thiếu cân nhắc.
Sự mất đất trồng lúa vĩnh viễn không thể phục hồi là nguy cơ lớn nhất đe dọa an ninh lương thực của nước ta, một đất nước hẹp, người đông đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Không những vậy, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất lúa ở nước ta. Nghiêm trọng hơn, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, khi nước biển dâng, hầu như khu vực ĐBS CL - vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ bị ngập.
Từ hiện trạng trên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số chính sách để bảo vệ và quản lý diện tích trồng lúa. Theo đó, loại đất sản xuất lúa tốt nhất phải được bảo vệ nghiêm ngặt, lâu dài, không chuyển đổi sang bất cứ mục đích sử dụng nào khác.
Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo 100% diện tích đất 2 vụ lúa. Khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa gạo, nhất là ở 2 khu vực ĐBSCL và ĐBSH, đồng thời thành lập sàn giao dịch lúa gạo ở ĐBSCL...
Bộ NN&PTNT kiến nghị phải rà soát và đánh giá lại hệ thống phân phối lúa gạo nội địa; bổ sung vào Luật Thương mại năm 2005 về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với lưu thông, phân phối lúa gạo trong nước và xử lý việc đầu cơ, trục lợi từ kinh doanh lương thực trong trường hợp khẩn cấp...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Bùi Bá Bổng cho biết: “Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực lâu dài cho quốc gia, Bộ đang soạn thảo, xây dựng một chương trình, đề án cho việc phát triển nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới, sau đó sẽ trình Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo. Căn cứ vào tình hình, Bộ sẽ kiến nghị biện pháp, Chính phủ sẽ căn cứ vào đó áp dụng”.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định: “Dù thế nào, chúng ta phải đảm bảo an toàn tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia cho mức dân số ổn định là 130 triệu người vào năm 2020. Và, để đảm bảo cho mức dân số này, chúng ta phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa.
Cũng để đảm bảo an ninh lương thực, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết thêm: “Nước ta vẫn ưu tiên hàng đầu những giống lúa năng suất cao, kháng sâu bệnh.
Lượng lúa có chất lượng siêu cao như Thái Lan rất ít, khoảng 5%, vì lúa chất lượng cao sẽ đi kèm với năng suất thấp, khả năng chịu bệnh kém, điều này không phù hợp với điều kiện nước ta”.