00:00 Số lượt truy cập: 3074925

Cấp ''hộ chiếu điện tử'' cho tôm đông lạnh 

Được đăng : 03/11/2016

Lần đầu tiên chip xác thực bằng tần số (RFID) được nghiên cứu áp dụng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm xuất khẩu. Công nghệ mới đưa con tôm đông lạnh được hợp chuẩn và có thể tới những thị trường khắt khe nhất thế giới.


Đây là công trình trình hợp tác đầu tiên giữa hai Bộ KHCN Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác song phương được ký kết tháng 6/2007. Trong đó, công nghệ truy xuất (Trace Core) là nội dung quan trọng được đưa vào hợp tác. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Việt Nam (SATI) sẽ phối hợp với TT Công nghệ điện tử và máy tính Thái Lan (NECTEC) để triển khai.

Tại sao lại chọn con tôm?

Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 7 trên thế giới. Trong đó, tôm đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, chiếm 40% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu với doanh thu mỗi năm trên dưới 3 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2008, chúng ta đã xuất khẩu được 3,7 tỷ USD tôm đông lạnh và dự kiến cả năm 2008 sẽ đạt mức trên 4 tỷ USD.

Việc xuất khẩu tôm trong thời gian gần đây gặp nhiều rào cản kỹ thuật. Đường cho con tôm vào những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc… ngày càng có nhiều quy định ngặt nghèo hơn. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa gần trở thành chuẩn mặc định cho hầu hết các thị trường này.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNN, ông Lương Lê Phương cho biết, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia đi đầu trong khối ASEAN về đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu. Mỗi năm Việt Nam đầu tư trên dưới 30 tỷ đồng mua thiết bị vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn của những thị trường “khó tính” như Mỹ và EU. Tuy vậy, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc lại chưa hoàn chỉnh và trở nên cấp thiết trong điều kiện các thị trường lớn trên thế giới siết chặt các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Điểm quan trọng là phải quản lý được theo chuỗi từ ao nuôi đến bàn ăn một cách thống nhất. Triển khai từ thí điểm đến nhân rộng để có thể phát triển bền vững”, Thứ trưởng Lương Lê Phương nói.

Theo phân tích của đại diện Bộ NN&PTNN, tôm đang là mặt hàng chiến lược nên cần tập trung những biện pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Kỹ thuật truy xuất nguồn gốc trong nuôi tôm xuất khẩu cũng là một mô hình đã triển khai thành công tại Thái Lan. Sau khi vận dụng thành công những kinh nghiệm của nước bạn sẽ triển khai tiếp sang cá tra, cá basa hoặc những sản phẩm khác.

Truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng 

Tiến sỹ Chaichana (Thái Lan): "Mỗi 20 tấn tôm cần chi phí 10.000 USD cho thiết bị. Như vậy, chưa đến 1 USD cho mỗi kilogram tôm xuất khẩu. Tất cả thiết bị đều có thể sử dụng lại". Ảnh: Hưng Hải

Điểm mấu chốt của công nghệ mới là kỹ thuật truy xuất nguồn gốc hàng hóa (TraceCore) ứng dụng chip xác thực bằng tần số (Radio Frenquency Identifycation - RFID). Đây là công nghệ nhận dạng tự động thông qua bộ phát tần số siêu nhỏ. Xuất hiện từ hơn 50 năm trước, RFID gần đây mới nổi bật lên nhờ có sự bổ trợ hữu hiệu từ công nghệ số và bán dẫn. Những con chip nhận dạng nhỏ xíu được sử dụng để gắn vào tem thuốc, động vật, sản phẩm để theo dõi lộ trình của chúng.

Tại Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng CNTT và chip RFID trong Theo dõi, Giám sát và Truy xuất sản phẩm nuôi tôm (Hạ Long, 23/8), TS. Chaichana Mitrpant, Giám đốc chương trình RFID của NECTEC, đã trình bày kinh nghiệm triển khai đưa loại chip này vào quản lý, truy xuất sản phẩm tôm tại Thái Lan.

Giải pháp của NECTEC bao gồm từ con chip và thẻ RFID, thiết bị đầu cuối và các thiết bị đọc cùng với những hệ thống phụ khác tạo thành một chuỗi hoàn chỉnh để quản lý. Những con chip RFID siêu nhỏ sẽ được gắn trên từng giai đoạn của sản phẩm trong quy trình quản lý chặt chẽ, làm cơ sở đảm bảo được truy xuất sản phẩm trong chuỗi giá trị, nhanh chóng tìm được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại bất cứ đâu trong vòng 1 giờ.

TS. Chu Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), cũng trình bày kế hoạch ứng dụng minh họa cho sản phẩm tôm tại Việt Nam. Trước mắt, SATI sẽ phối hợp với các đối tác để xây dựng tiêu chuẩn, quy định và các thông số đầu vào và đầu ra phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước nhập khẩu tôm. Công việc sau đó là lựa chọn những doanh nghiệp thủy sản có nhu cầu và phù hợp với điều kiện đặt ra của hệ thống.

Mặc dù công nghệ hiện đại này đã được áp dụng thành công tại Thái Lan nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, vẫn cần có những điều chỉnh nhất định. Theo ông Khúc Tuấn Anh, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Bộ NN và PTNN), thủy sản Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ, trình độ sản xuất và dân trí thấp. Hệ thống văn bản pháp lý lại chưa đồng bộ, thiếu những yêu cầu về truy xuất theo chuỗi hoàn chỉnh.

Sản xuất tôm ở Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ, qua nhiều cấp thu mua mới đến nhà máy. Mỗi lần qua một cấp trung gian là một lần xác suất mất thông tin truy xuất lại tăng lên. 

Với sản xuất quy mô nhỏ, lao động thủ công như hiện nay, việc kiểm soát và truy xuất hàng hóa đòi hỏi dây chuyền đồng bộ. Ảnh: Ngọc Đại.
“Theo tôi, việc ứng dụng RFID là hoàn toàn có thể làm được, nhưng phải chọn những đơn vị sản xuất quy mô lớn”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), nói. “Tại Thái Lan, việc sản xuất tôm theo quy mô lớn, hầu hết hàng thủy sản đều tập trung về 1 chợ đầu mối rồi đưa đến cơ sở sản xuất chế biến. Ở Việt Nam có nhiều loại đầu mối như nậu, vựa… từ nhỏ đến lớn, rất khó kiểm soát được nguồn gốc khi các đầu nậu trộn các nguồn hàng khác nhau trước khi cung cấp cho nhà máy”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng vấn đề giá thành của công nghệ cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc đảm bảo chất lượng hàng hóa rất quan trọng, nhưng nếu chi phí quá lớn, giá sản phẩm bị đội lên quá cao, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp áp dụng không còn hấp dẫn. Các chuyên gia công nghệ phải cân đối được 2 yếu tố này mới có thể áp dụng vào thực tiễn.

Theo tính toán của các chuyên gia NECTEC, đầu tư ban đầu cho mỗi đơn vị thiết bị RFID (gồm chip, thẻ) khoảng 3USD. Cộng thêm là những chi phí cho hệ thống đầu đọc, hệ thống máy tính… khoảng 10.000 USD cho 20 tấn tôm. Tính trung bình khoảng dưới 1USD cho mỗi kilogram tôm xuất khẩu. Chip và thẻ có thể tái sử dụng nhiều lần trong nhiều quy trình khác nhau.