00:00 Số lượt truy cập: 2638485

Câu lạc bộ khoa học của phụ nữ xã La Hiên 

Được đăng : 03/11/2016
Kể từ khi Câu lạc bộ phụ nữ yêu khoa học ra đời, chị em xã La Hiên (Thái Nguyên) đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.



Xã La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) có nhiều người thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Cao Lan, Mường, Dao... Trước kia nơi đây nghèo, lạc hậu do ít được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, cây lúa, cây chè, ngô, khoai, sắn có vụ trồng mà chẳng được ăn do thời tiết khô, hạn hoặc sâu bệnh; không ít gia đình mỗi năm "đứt bữa" hoặc đói khoảng 2-3 tháng. Nay nhờ có Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ yêu khoa học, chị em đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nhiều nhà đã có "bát ăn, bát để".


Chị Hạc Thị Tính, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã La Hiên, người dân tộc Nùng. Là phụ nữ dân tộc thiểu số, chị hiểu thiệt thòi của chị em trong xã, do nghèo, nên thất học. Và cũng do ít hiểu biết, nên mọi người, nhất là phụ nữ trong xã chỉ quen lối canh tác cũ. Ví như chè phải trồng hạt, không biết trồng cành. Cây lúa, củ khoai hay bắp ngô có cho thu hoạch thì cũng phải "ơn trời" có cho mưa thuận, gió hòa, hoặc không bị sâu bệnh. Trong khi thời tiết mỗi năm ngày càng khắc nghiệt, dẫn đến mất mùa, đói ăn thường xuyên trong xã.


Ðây cũng là lý do khiến chị Tính bỏ nhiều công sức kêu gọi chị em tham gia CLB phụ nữ yêu khoa học. Dự án này do Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên phối hợp Tổ chức ILO của Nhật Bản tài trợ.


Chị Tính cười hồn nhiên, kể với chúng tôi về những ngày đầu đi vận động chị em trong xã tham gia CLB: Có anh chồng một chị trong xã bảo: Cho vợ đi sinh hoạt CLB để về cãi chồng à? Rồi có anh lại thách đố: “Chị có giỏi vào đây uống rượu với tôi. Uống được thì tôi cho vợ tôi tham gia CLB”.


Uống thì uống. Chị Tính kể: Ðấy là lần đầu tiên tôi phải uống rượu và cũng là lần đầu tiên bị say. Nhưng cũng nhờ vậy mà anh chồng khó tính này đồng ý cho vợ vào CLB.


Kết quả chị Tính vận động được 20 chị là những phụ nữ nghèo và cận nghèo, nhưng chỉ có 12 chị đến sinh hoạt CLB, còn lại tám chị đến lớp không thường xuyên.


Chị Nguyễn Thị Lý, Chủ nhiệm CLB phụ nữ yêu khoa học, ở xóm cây Bòng không chút giấu giếm kể về các thành viên của CLB: Phụ nữ dân tộc thiểu số nhiều người không biết chữ, không rõ lý thuyết, nhưng khi nghe cán bộ là kỹ sư nông nghiệp giảng giải và được thực hành tại ruộng về cách chăm sóc các loại cây, con thì mọi người nhớ được.


Quả thật, lúc học lý thuyết nhiều chị lắc đầu vì khó nhớ quá. Vậy là giảng viên đành kết hợp phương pháp "cùng tham gia", dẫn các chị ra nương chè, ruộng lúa để mọi người được "tay sờ, tai nghe, mắt nhìn", phân biệt được từng loại sâu bệnh.


Cụ thể hơn, giảng viên đưa các chị về từng nương chè, ruộng lúa của chính gia đình các chị, yêu cầu tìm và phân biệt được đâu là bọ xít muối, rầy xanh, hay nhện đỏ...


Chị Nguyễn Thị Chinh là người đầu tiên trong CLB được chọn thí điểm trồng cây chè theo phương pháp trồng cành. Sau một thời gian chăm bón, đến kỳ thu hái, mọi người nhìn nương chè nhà chị Chinh xanh tốt, thu hoạch cho năng suất cao, tấm tắc nhỏ to với nhau: Thật không ngờ!


Chị Chinh tính cho chúng tôi nghe, trước đồi chè của chị rộng vài trăm m2, nhưng một năm chỉ thu hơn năm mươi kg chè. Nay mỗi năm thu 2-3 tạ chè. Cả cây lúa cũng vậy. Trước thu 50 kg/sào, giờ đạt năng suất 2 tạ/sào.


Những năm trước, nhà chị Chinh cũng gieo neo lắm. Bảy người gồm mẹ già, vợ chồng và bốn con, một năm thiếu ăn 2-3 tháng. Chị Chinh nói: Cả năm gia đình tôi luôn phải "ăn dằn (ăn dè), hà tiện". Cuộc sống nhà chị giờ không chỉ no đủ, còn có "của ăn, của để", thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng từ cây lúa, cây chè. Ngôi nhà ngói năm gian khang trang cùng ti-vi, đài cát-xét, rồi xe máy gia đình mua được, cũng là nhờ mấy năm nay chị Chinh tham gia CLB phụ nữ yêu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đúng cách.


Năm nay trời hạn hán, thu nhập từ cây lúa kém hơn năm trước, nhưng chị Chinh bảo: bù lại đã có cây chè vẫn cho thu nhập tốt. Tiếng lành đồn xa, khiến nhiều nhà trong xã đến nhà chị Chinh học hỏi kinh nghiệm cùng trồng cây lúa, cây chè.


Chị Hà Thị Lam, khoe với chúng tôi: "Sau khi tham gia CLB phụ nữ yêu khoa học, về nhà đi làm nương chỉ cho chồng biết từng loại bệnh đạo ôn, khô vằn ở cây lúa... tùy loại sâu phải phun các loại thuốc khác nhau". Nghe vậy, anh chồng tủm tỉm cười bảo: "Vợ mình thế mà giỏi!".


Chị Lý Thị Kim Cúc nghe vậy cũng góp chuyện: Tôi cũng vậy, khi đi ra đồi chè, nhìn cây chè bị sâu bệnh là biết phải phun loại thuốc sâu nào. Chẳng như trước kia, cứ thấy sâu là ra mua thuốc về phun bừa bãi. Lúc đầu chồng tôi khó chịu bảo "Chỉ vẽ chuyện, phun thuốc sâu nào chả được", thế nhưng giải thích có lý thì cũng nghe.


Nhờ học được cách làm ăn, biết cách bón phân và phun thuốc sâu đúng chủng loại, các chị tham gia CLB phụ nữ yêu khoa học đã giúp gia đình có thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình từng bước được nâng lên. Làm việc gì cũng có sự bàn bạc giữa vợ và chồng.


Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 đã có những anh chồng chạy ra vườn hái bông hoa đem vào nhà nói: "Anh tặng vợ". Chẳng như trước kia, không ai quan tâm, ngó ngàng đến vợ.


Chị Nguyễn Thị Lý cho rằng: "Từ chỗ kinh tế gia đình khá giả, chị em trong CLB chúng tôi đã biết mua sắm quần áo cho chồng con và cả chính mình. Chả như trước, trông ai cũng lúi xùi xùi. Khi đi chợ có đôi dép bỏ vào quang gánh, còn chân thì đi đất". Hôm chúng tôi đến, đúng vào ngày CLB sinh hoạt. Chị nào cũng mặc quần áo đẹp xúng xính, phấn khởi trò truyện với nhà báo. Chị Hà Thị Lam hồ hởi khoe: "Nhà có hai con gái. Vợ chồng tôi bàn nhau, năm nay sau khi trừ các khoản chi tiêu trong gia đình, chúng tôi sẽ dành dụm mua dần Bảo hiểm Nhân thọ, mỗi cháu khoảng 10 triệu đồng. Coi như của để dành ấy mà".


Ðến nay, xã La Hiên đã thành lập được 15 CLB phụ nữ yêu khoa học, với 40 chị em tham gia. Do dự án đã kết thúc, không còn kinh phí tài trợ, nhưng các CLB vẫn duy trì việc sinh hoạt.


Ðến với CLB chị em có thể trao đổi, bàn bạc vụ này nên trồng cây gì và nuôi con gì? Ai cần giúp đỡ ngày công thì mọi người xúm vào giúp. Hoặc có kiến thức gì mới chị em nói cho nhau nghe. Ai có khó khăn về vốn, thì đề nghị Hội Phụ nữ xã tín chấp với ngân hàng cho vay.


Ở xã có trường hợp chị X, chồng bị nhiễm HIV/AIDS. Chị Tính đã vận động chị X tham gia sinh hoạt CLB. Chị X ngại, với lý do: Chồng em thế này chắc em cũng bị nhiễm bệnh. Chị Tính liền giảng giải, động viên, chị X đã tham gia CLB và khoảng ba tháng sau chồng chị chết. 20 chị trong CLB đã góp mỗi người 10 nghìn đồng để lo tang ma cho chồng chị X. Quá xúc động, chị X đã ôm lấy chị Tính nghẹn ngào khóc vì thấy mình không bị bỏ rơi.