Năm nay, người nông dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) rất phấn khởi vì một số loại cây ăn quả được mùa. Thế nhưng khi thu hoạch đưa đi tiêu thụ do giá bán quá thấp và thiếu thị trường tiêu thụ nên làm ứ động hàng chục tấn cây trái. Người nông dân rơi vào tình cảnh được mùa nhưng không được giá, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Chuối ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. |
Cây bơ trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa được xác định là một trong những loại cây ăn quả cho thu nhập khá góp phần nâng cao đời sống gia đình. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Hướng Hoá có hơn 100 ha bơ, hầu như nhà nào cũng có cây bơ trồng trong vườn nhà.
Cây trồng rất thích hợp với vùng đất đỏ thuộc các xã dọc tuyến quốc lộ 9 như Tân Hợp, Tân Liên, Tân Long...và các xã vùng Lìa như Thuận, Thanh, A Xing...
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân, ở xã Tân Hợp những năm trước, mỗi vụ thu được khoảng vài chục triệu đồng từ vườn bơ nhà mình, năm nay bơ được mùa nhưng chỉ thu được năm triệu đồng.
Chị Hoa cho biết: Năm ngoái, tư thương đến tận nhà thu mua bơ, còn năm nay chị phải đưa bơ ra chợ, thế mà tư thương vẫn không ngó ngàng gì làm bơ gia đình chị ứ đọng, hư hỏng, phải loại bỏ hàng loạt.
Còn chị Lê Thị Nhung, ở xã Tân Lập không còn thuê người thu hoạch bơ như những năm trước chỉ vì giá quá rẻ mà tiền thuê nhân công thì lại cao, nên gia đình chị tự thu hoạch, một phần đưa bán tháo, một phần gửi biếu người bà quen dưới đồng bằng ăn giúp.
Qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi thấy giá bơ sụt giảm hơn một nửa, năm ngoái vào thời điểm này, giá bơ dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng, có thời điểm giá tăng lên 25.000 đồng, còn năm nay giá bơ có chất lượng cao như bơ sáp cũng chỉ 10.000 đồng/kg, các loại bơ khác giá còn thấp hơn nhiều.
Hiện nay, đang là thời điểm chính vụ thu hoạch bơ ở huyện Hướng Hóa nhưng do giá quá thấp nên nhiều tư thương sợ lỗ khiến người trồng bơ gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ quả bơ mất giá, mà nhãn ở Hướng Hóa cũng rất ế ẩm. Năm nay cây nhãn cũng được mùa, thế nhưng người trồng nhãn trên địa bàn không được vui vì giá bán quá thấp so với những năm trước.
Dọc con đường vào các xã Thuận, Thanh, A Xing, nhãn được bày bán với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Nếu người mua trực tiếp vào tận vườn hái thì chỉ khoảng 5.000 đồng /kg. So với các loại nhãn khác trên thị trường thì nhãn ở Hướng Hóa giá thấp hơn nhiều.
Ông Nguyễn Văn Thạo, ở xã Thuận có hơn 80 gốc nhãn cho biết: Vụ này thu được 3 tấn nhãn tươi, nhưng giá bán chỉ được 7.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí đầu tư, công chăm bón, thu hoạch xem như không có lãi.
Chị Hồ Thị Tư, ở xã A Xing cho biết, sau khi thu hoạch nhãn đã đưa về tận chợ thị trấn Khe sanh, thành phố Đông Hà bán giá có cao hơn, song trừ chi phí vận chuyển chỉ bằng giá bán tại chỗ.
Người dân trồng nhiều bơ, nhãn ở huyện Hướng Hóa hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cây trồng, rất mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm giúp đỡ.
Chuối không tiêu thụ được
Từ khi chuối bắt đầu xuất khẩu, phong trào trồng chuối ở huyện Hướng Hóa phát triển mạnh, diện tích chuối không ngừng tăng lên. Phó chủ tịch UBND huyện Võ Thanh cho biết, đến nay diện tích cây chuối ở huyện Hướng Hóa khoảng 1.200 ha, trong đó ở xã Tân Long, thị trấn Lao Bảo và bảy xã vùng Lìa gần 1.000 ha. Mỗi ngày tư thương thu mua khoảng 45-50 tấn chuối quả xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm qua, lượng chuối xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong thị trường nội địa, doanh số ước đạt hơn 100 tỷ đồng. Xác định cây chuối là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập quanh năm, vốn đầu tư ít nên người dân ở các xã vùng biên giới (giáp Lào) Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo... huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã tập trung mở rộng diện tích trồng loại cây này.
Trong phong trào “người người trồng chuối, nhà nhà trồng chuối” và giàu lên nhờ cây chuối ở xã Tân Long đã xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: Đoàn Văn Trang, ở thôn Long Hợp; Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Dương Phước, ở thôn Long Phụng; Đoàn Văn Thăng, ở thôn Long Thuận; Võ Tấn Tài, ở thôn Long Yên…
Vào thời điểm đầu năm nay chuối ở huyện Hướng Hóa có giá tương đối cao, hơn 10.000 đồng/kg, thế nhưng bất ngờ vào thời điểm chính vụ thu hoạch chuối rớt giá chưa từng thấy, chỉ còn khoảng 3.500-4.000 đồng/kg.
Nguyên nhân được xác định là do, thị trường chính trong tiêu thụ sản phẩm chuối ở Hướng Hóa là Trung Quốc nhưng họ không nhập khẩu chuối nữa; thị trường trong nước tiêu thụ nhỏ lẻ, một số tư thương khác mua số ít chuối đưa về thành phố Đông Hà và một số tỉnh lân cận như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân vào dịp ngày rằm, ba mươi, mồng một.
Những ngày này đến chợ Khe Sanh, chợ Tân Long và đi dọc đường 9 sẽ thấy hàng nghìn buồng chuối đang nằm chờ đợi được đưa đi tiêu thụ. Nhiều buồng chuối đã xuất hiện những trái chín vàng rực, héo hon, không còn xanh đẹp như những ngày đầu mới thu hoạch.
Trên gương mặt người trồng chuối thoáng những nét đượm buồn, âu lo vì còn hàng trăm cây chuối đến thời kỳ cho thu hoạch quả đang nằm trên nương rẫy không biết giải quyết đầu ra theo hướng nào.
Anh Nguyễn Dương, ở xã Tân Long cho biết, gia đình anh chấp nhận bán chuối giá thấp chịu lỗ để thu lại một ít vốn mà cũng không bán được. Anh đang tính đến việc bỏ cây chuối chuyển sang trồng sắn hoặc các loại cây khác.
Huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị cần tính đến việc chế biến chuối theo hướng công nghiệp để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm mà không phải bị lệ thuộc vào thị trường nước ngoài như hiện nay.
Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, cần xây dựng “thương hiệu” cho sản phẩm chuối Hướng Hóa để có thể cạnh tranh, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nếu làm được điều đó, tin chắc thương hiệu sản phẩm chuối huyện Hướng Hóa không chỉ tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc mà còn được thị trường nhiều nước khác biết đến và ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định, làm giàu cho người trồng chuối ở nhiều vùng quê miền núi này.