00:00 Số lượt truy cập: 3081229

Cây biến đổi gen: Bắt đầu vào vạch xuất phát 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân 2010 nước ta có thể bắt đầu triển khai khảo nghiệm cây biến đổi gen, 2011 bắt đầu cho trồng, phấn đấu 2020 có từ 30-50% tổng diện tích các cây trồng mới ở Việt Nam là biến đổi gen.

Hội nghị Khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội của Bộ NN - PTNT được coi là bước quan trọng để công khai hoá việc quản lý một đối tượng cây trồng mới mà cả thế giới đang tranh cãi quyết liệt hai ngả, Mỹ thì ủng hộ, EU lại phản đối kịch liệt. Thậm chí có những nước châu Phi còn hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi thà để cho dân chết đói còn hơn trồng cây biến đổi gen”.

Có lẽ, Việt Nam ở trường phái trung dung, ủng hộ cây trồng biến đổi gen nhưng phải quản lý thật chặt. Thông tư 69 của Bộ NN - PTNT quy định khảo nghiệm đánh giá rủi ro của cây biến đổi gen chính là thể hiện tinh thần đó. Loài cây trồng được phép khảo nghiệm phải nằm trong danh mục loài cây trồng biến đổi gen được phép khảo nghiệm do Bộ trưởng Bộ NN - PTNT ban hành tức chỉ trong phạm vi cây ngô, cây bông vải và cây đậu tương. Tất cả các giống cây trồng biến đổi gen trước khi đưa ra đồng ruộng trồng đều phải khảo nghiệm. Bộ NN & PTNT chỉ cấp giấy phép khảo nghiệm cho giống cây trồng biến đổi gen trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn sinh học ngành.

Khác với khảo nghiệm giống bình thường, tác giả có thể tự tổ chức được thì khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen phải được thực hiện bởi tổ chức khảo nghiệm được công nhận. Nguyên tắc khảo nghiệm được thực hiện theo hai bước, khảo nghiệm hạn chế và khảo nghiệm diện rộng. Khảo nghiệm hạn chế được làm ít nhất trong 2 vụ liên tiếp đối với cây trồng ngắn ngày và 1 chu kỳ sinh trưởng đối với cây trồng dài ngày. Khảo nghiệm diện rộng được thực hiện tối thiểu là 1 vụ đối với cây trồng ngắn ngày và 1 chu kỳ sinh trưởng đối với cây trồng dài ngày.

Khu vực khảo nghiệm phải có biển cảnh báo, hàng rào kiên cố:

Theo PGS Phạm Văn Toản - Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), vì cây trồng biến đổi gen là đối tượng mới nên yêu cầu khảo nghiệm rất chặt chẽ. Nhà lưới, nhà kính sử dụng trong khảo nghiệm phải được thiết kế và xây dựng đảm bảo ngăn chặn sự xâm nhập không được phép từ bên ngoài và sự phát tán giống, vật liệu nhân giống, vật liệu sau thu hoạch của cây trồng biến đổi gen ra ngoài môi trường. Trong khảo nghiệm đồng ruộng, vấn đề được quan tâm nhất là sự thất thoát tự nhiên nên ruộng phải không bị úng ngập đề phòng trôi mất giống, ruộng khảo nghiệm diện hẹp phải có hàng rào bao quanh đảm bảo ngăn ngừa sự xâm nhập trái phép của người và động vật.

Ông Lê Hồng Nhu - Hiệp hội TM giống cây trồng VN: Chính ra giống cây trồng biến đổi gen đã vào Việt Nam mấy năm rồi. Hồi tôi còn làm ở Cục Nông nghiệp một số đơn vị đã xin nhập giống cây trồng chuyển gen nhưng thời điểm đó chưa cho phép nên về họ không ghi là cây biến đổi gen nữa để được nhập khẩu…

Từ trước đến nay bao giống đưa vào khảo nghiệm, cái nào cũng được công nhận, không loại cái gì, giờ khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen phải sửa chứ không thể à uôm thế được. Công nhận an toàn sinh học và công nhận giống được sản xuất kinh doanh của cây biến đổi gen theo tôi nên tiến hành song song bởi nếu phải trải qua các khâu như công nhận an toàn sinh học rồi công nhận giống rất rách việc. Giống có an toàn sinh học hay không phải đưa ra diện rộng nó mới biểu lộ chứ ít khi bộc lộ khi khảo nghiệm lắm nên cần chế tài xử lý chặt.

Thậm chí trước khu thí nghiệm 10m phải có biển cảnh báo. Nội dung khảo nghiệm phải trả lời được 5 câu hỏi: Nguy cơ trở thành cỏ dại và xâm lấn môi trường tự nhiên? Nguy cơ thành dịch hại? Nguy cơ ảnh hưởng bất lợi tới sinh vật không chủ đích? Nguy cơ làm thay đổi chế độ quản lý ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường? Nguy cơ làm thay đổi quá trình sinh, hoá học trong đất và các tác động không chủ đích khác?

Vận chuyển, lưu trữ giống cũng được xiết chặt:

Giống cây trồng biến đổi gen và vật liệu nhân giống của chúng trong quá trình vận chuyển phải được bao gói riêng biệt với các vật liệu cây trồng khác. Bao gói phải được dán nhãn rõ ràng. Trường hợp xảy ra thất thoát trong quá trình vận chuyển, người đăng ký, tổ chức khảo nghiệm phải thu hồi tất cả các vật liệu bị thất thoát và tiêu huỷ bằng các biện pháp phù hợp. Đánh dấu vị trí xảy ra sự cố để theo dõi, giám sát và xử lý. Trong lưu trữ giống biến đổi gen cũng phải đảm bảo nguyên tắc tránh sự xâm nhập từ bên ngoài và nhất là không để thất thoát ra môi trường.

Khi thu hoạch khảo nghiệm giống biến đổi gen, tổ chức khảo nghiệm có trách nhiệm thu toàn bộ giống, vật liệu sau thu hoạch và tiêu huỷ trừ trường hợp cần giữ lại cho các nghiên cứu tiếp theo. Vật liệu thu hoạch của giống không được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc. Sau kết thúc khảo nghiệm, tổ chức khảo nghiệm phải giám sát ruộng khảo nghiệm diện hẹp để kiểm soát sự sinh trưởng ngoài dự kiến của cây trồng biến đổi gen. Thời gian giám sát ít nhất 3 tháng từ thời điểm thu hoạch kết thúc đồng thời phải đảm bảo không có thực vật nào cùng loài hoặc cùng hệ sinh sản với giống biến đổi gen được gieo trồng tại điểm khảo nghiệm trong thời gian giám sát đồng ruộng.