Cách đây hơn 2 năm, một dự án đầu tư trên lĩnh vực sản xuất vào tỉnh ta đã được triển khai trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Đó là Dự án trồng cà phê tại các xã vùng cao mà doanh nghiệp đầu tư là Tổng Công ty sản xuất và thương mại Thái Hoà. Kể từ đó, vùng cà phê chè bắt đầu quá trình hình thành, đem lại hi vọng xoá đói nghèo, góp phần tạo đà cho vùng cao khởi sắc.
Bên cạnh những lợi thế như chất đất phù hợp (đất đỏ bazan), đảm bảo nguồn nước tưới... Dự án cũng lường tính đến yếu tố không thuận về thời tiết giá rét và sương muối làm giảm quá trình phát triển của cây trồng. Rút kinh nghiệm vụ trồng cà phê đầu tiên vào năm 2007, 24 ha trong tổng số khoảng 30 ha cây trồng mới đã gặp rủi ro vì rét đậm. Năm 2008, cán bộ kỹ thuật của Dự án đã trực tiếp hướng dẫn, phổ biến đến người lao động tranh thủ thời tiết ấm để trồng sớm, chăm bón tỉ mỉ, đặc biệt là đối với cây mới trồng phải che phủ nilon chống rét và sương muối. Với cố gắng cùng niềm tin vững chắc, cây cà phê đã lên và ở lại với đất vùng cao.
Vùng cà phê nguyên liệu hiện đã mở rộng gần 70 ha trong tổng diện tích quy hoạch là 90,5 ha tại 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn. Tổng trị giá đầu tư đến nay là hơn 5 tỷ đồng. Năm 2009, Dự án tiếp tục triển khai trồng phần diện tích còn lại trên đất xã Tân Mỹ. Điều đáng nói là đa phần trong số gần 400 lao động hợp đồng và thời vụ làm việc cho Dự án đều là người dân bản xứ “chịu thương, chịu khó”, chăm chỉ, cần cù. Chị Bùi Thị Dịu - một công dân của xã Yên Nghiệp lên đây làm việc từ năm 2007 cho biết: Công việc không nhiều vất vả, chủ yếu là khâu trồng và chăm sóc. Bình quân mỗi ngày, người lao động được trả công 40.000 - 50.000 đồng, trả bằng sản phẩm thì công còn được tính cao hơn nên bà con đến đây làm khá hài lòng.
Khác với cây cà phê vối, cây cà phê chè được chọn trồng trên đất vùng cao của Mường Vang không chỉ bởi nó có sức chịu rét dẻo dai mà còn vì chính hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại cho người trồng. Cũng theo Giám đốc Dự án Ngô Thanh Hùng thì giống cà phê chè (Aribica) có hương vị đậm đà, chất lượng hơn hẳn cà phê vối. Tuy năng suất của cây cà phê chè thấp hơn chút ít so với cà phê vối nhưng bù lại giá trị lại cao gấp hơn 2 lần. Trong tổng số 500.000 tấn cà phê xuất khẩu của cả nước, lượng cà phê chè chỉ chiếm có 20.000 tấn. Vậy nên, cà phê chè rất có thế mạnh về xuất khẩu còn nhu cầu cho xuất khẩu là luôn luôn không đủ. Với việc đưa cây cà phê chè vào trồng với diện tích lớn sẽ là vùng nguyên liệu trong tương lai cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Quá trình sinh trưởng của cây cà phê đất vùng cao xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu đang tiến triển khả quan, mặc dù đang trong thời tiết lạnh giá. Anh Bùi Văn Điệp, cán bộ kỹ thuật của Dự án thở phào “Cà phê được trồng từ tháng 7, tháng 8 đến nay coi như đã qua được giai đoạn cây cần được chăm bẵm nhiều nhất”. Trong thực tế, vào năm thứ 3 sau khi trồng, cà phê chè sẽ bắt đầu cho bói quả. Từ năm thứ 4, thứ 5, giống cây này sẽ cho thu 5 - 6 tấn hạt/ha. Những năm tiếp theo, năng suất sẽ cao đến 10 tấn/ha, có nơi đạt 20 tấn/ha.
Những năm tiếp theo, vùng nguyên liệu sẽ được mở rộng thêm tại một số xã vùng cao của huyện Tân Lạc như Ngổ Luông... Về lâu dài, Tổng công ty Thái Hoà cũng đang làm tờ trình xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại xã Tân Mỹ gắn với vùng trồng nguyên liệu. Mặt khác, Dự án đã tính đến việc triển khai “trồng cà phê nhân dân” trong nay mai. Phương án đưa ra là bà con các xã vùng cao góp đất, Dự án đứng ra hỗ trợ về giống, phân bón và một phần công chăm sóc. Khi cây vào vụ thu hái, bà con sẽ được chia hưởng phần lợi tức trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hoà giữa cá thể hộ gia đình trồng cà phê và doanh nghiệp.
Hiện tại, Dự án đã xúc tiến việc gieo, ươm giống, trồng mới và chăm sóc diện tích cà phê đã trồng đảm bảo cho kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc đưa cây cà phê vào trồng trong nhân dân. Một ngày không xa, cây cà phê chè sẽ sinh sôi, nảy nở, sẽ góp phần mang lại những hi vọng đổi thay ở vùng cao khó nhọc nơi đây.