00:00 Số lượt truy cập: 2662798

Cây cam Canh hiệu quả cao nhưng kén người trồng 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2003, cây cam Canh được đưa về vùng đất Cao Phong (Hoà Bình). Từ một vài hộ dân trồng ban đầu, đến nay toàn huyện đã phát triển trên 40 ha. Là giống cây đem lại thu nhập cao nhưng cây cam Canh cũng kén người trồng.


Anh Hà Ngọc Tuyền, khu 3 thị trấn Cao Phong là người đầu tiên ở huyện Cao Phong đưa giống cam Canh về trồng cho biết: Tham khảo ở một số nơi thấy giống cam Canh đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2003, gia đình tôi mua 330 cành cam Canh ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây) về trồng trên diện tích gần 3.000 m2. Đến năm 2005, cây cam Canh bắt đầu cho thu hoạch. Năm đầu tiên, giống cam mới gặp thời tiết thuận lợi, giá tăng cao gia đình anh đã thắng lớn. Mỗi cân cam bán tại vườn cũng có giá 30.000 đồng, tổng thu đạt trên 300 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình anh Tuyền mà một số hộ khác cũng có thu nhập cao nhờ cam Canh như: gia đình Anh Thái, đội Tây Phong có 5.000 gốc cam Canh cho thu nhập 200 triệu đồng; gia đình chị Nguyễn Thị Hằng trồng 200 gốc cho thu về 90 triệu đồng; gia đình anh Tạ Đình Đào, đội 7 Nông trường Cao Phong có diện tích 2.500 m2 cho thu nhập trên 100 triệu đồng... Từ một số gia đình trồng cam Canh đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ ồ ạt làm theo. Năm 2006, diện tích cam trồng mới trên 20 ha. Đến nay, diện tích cam Canh của toàn huyện lên tới trên 40 ha.

Tuy vậy, nhiều hộ đưa cây cam Canh về trồng nhưng không phải gia đình nào cũng đạt hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Thu, đội 7 Nông trường Cao Phong phàn nàn: Thấy các hộ trồng cam Canh cho thu nhập cao, gia đình tôi cũng đưa 250 cây vào trồng. Tuy vậy do không nắm được quy trình kỹ thuật nên khi ra hoa vẫn phát triển bình thường nhưng tỷ lệ đậu quả thì rất ít. Năm 2005- 2006, vườn cam Canh cho thu hoạch nhưng mỗi cây chỉ thu được khoảng 10kg quả. Chất lượng quả không đảm bảo giá bán chỉ đạt 11.000 đồng/kg. Tổng thu chỉ đạt trên 20 triệu đồng, tương đương với cam Xã Đoài mà chăm sóc lại khó hơn!.

Theo anh Tuyền: Người dân Cao Phong gắn bó với cây cam từ lâu nhưng cam Canh là giống mới có chất lượng, giá trị cao. Nếu so sánh với giống cam Xã Đoài, cây cam Canh có suất đầu tư vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn nhưng yêu cầu về kỹ thuật lại đòi hỏi cao hơn. Mà hiện nay vẫn chưa có quy trình kỹ thuật trồng cam Canh cụ thể, chủ yếu người nông dân tự học tập kinh nghiệm của nhau. Ngoài đảm bảo kỹ thuật, yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn tỷ lệ ra hoa, đậu quả, năng suất, chất lượng cam Canh. Vụ cam 2006 vừa qua, do ảnh hưởng của thời tiết, các hộ chăm sóc không tốt, mẫu mã cam Canh không đạt yêu cầu nên giá bán giảm từ 11.000- 13.000 đồng/kg. Điều này cũng lý giải vì sao trên cùng một đơn vị diện tích có gia đình cho thu nhập cao nhưng cũng không ít hộ trồng không hiệu quả. Mặt khác, hiện nay thị trường cam Canh Cao Phong vẫn chỉ bó hẹp ở một số thành phố lớn nên việc phát triển tự phát trên diện tích lớn sẽ gây khó khăn đối với đầu ra của sản phẩm.

Trao đổi với kỹ sư Bùi Văn Kẹn, Giám đốc Công ty rau quả nông sản Cao Phong được biết: Cây cam Canh đưa vào hoàn toàn phù hợp với vùng đất Cao Phong. Với mẫu mã đẹp chín đỏ, vỏ mỏng khi chín có vị ngọt, mát, thơm, quả cam Canh đang được thị trường ưa chuộng. Thực tế cho thấy cây cam Canh đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Việc phát triển diện tích cam Canh cũng phù hợp với sự chỉ đạo, xu hướng phát triển cây có múi của Công ty. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề khó khăn nhất là quy trình kỹ thuật. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng, giá thành và đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian tới, Công ty tìm hiểu, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và có quy hoạch phát triển cụ thể để cây cam Canh thực sự đem lại hiệu quả cao cho người dân.