Chuyện nhiều nông dân ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) mới đây bị thiệt hại vì mua phải giống ngò gai dỏm để trồng không phải là chuyện xảy ra lần đầu ở vùng ĐBSCL. Cuối tháng 4/2009, nhiều nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng bị lừa khi một điểm bán lúa giống ở đây lấy lúa thường bỏ vào bao có in giả nhãn mác của Trung tâm Giống nông nghiệp Cần Thơ rồi giới thiệu đó là lúa giống chất lượng cao để bán cho họ. Trước đó, một số nông dân ở xã An Hữu, huyện Cái Bè (Tiền Giang) mua giống xoài cát Hòa Lộc về trồng nhưng khi có trái thì trái chỉ lớn hơn nắm tay trẻ con và khi chín thì có vị… chua không thua gì me! Có người mua giống bưởi da xanh về trồng nhưng có trái thì thành bưởi da vàng, múi sượng ngắt... Gần đây, ở Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp…, nhiều nông dân kêu trời vì mua giống tôm càng xanh nhập từ nước ngoài sau mấy tháng nuôi chỉ cho ra tôm lóng, tôm trứng, lỗ thấu xương… Một tiến sĩ giảng dạy ở Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) kể câu chuyện như sau, ông và một số đồng sự sau khi nghiên cứu thành công một giống lúa mới chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt bèn đem xuống huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trồng thử nghiệm. Lúa phát triển rất tốt, năng suất khá cao. Tới ngày nhóm của ông xuống thu hoạch theo dự kiến thì mảnh ruộng đã được… gặt hộ. Ông suy nghĩ một lúc rồi kết luận: “Hẳn bà con nông dân ở đây thiếu giống tốt, nên thấy có giống lúa năng suất cao, mỗi người đã gặt một ít đem về. Mất lúa nhưng tôi vui vì coi như giống mới đã được chuyển giao (không chính thức) cho nông dân”. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang khát giống vật nuôi, cây trồng chất lượng cao nhưng do nguồn cung quá ít nên mới có đất cho nạn buôn bán giống dỏm phát triển. Theo thống kê của Viện Cây ăn quả miền Nam, ở đồng bằng sông Cửu Lonh hiện có đến 90% lượng cây giống không rõ nguồn gốc đang được cung ứng trên thị trường. Các giống này được dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, theo các ghe hàng len lỏi vào các kênh, rạch đến tận các xã, ấp nên cơ quan chức năng khó mà kiểm soát. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, để có một giống lúa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, các viện, trường phải mất khoảng 3 năm. Hiện tại, hệ thống sản xuất lúa giống chính quy và sản xuất lúa giống ở nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Cung không theo kịp cầu nên nhiều địa phương, cá nhân đã vội vàng đưa các giống lúa chưa được công nhận ra sản xuất đại trà. Vì vậy, mới có tình trạng giống không đảm bảo chất lượng Mua phải giống cây trồng vật nuôi dỏm, nếu là giống ngắn ngày thì sau một vài tháng nông dân lãnh hậu quả. Nhưng với nhiều loại cây ăn trái, phải đến 4-5 năm sau nông dân mới biết bị lừa. Lúc đó, bao nhiêu tiền của công sức đều “đổ sông đổ biển”. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cơ quan chức năng các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống nhân giống nhiều cấp, từ các viện trường đến tỉnh, huyện xã, các hợp tác xã, nhóm nông dân chuyên sản xuất giống… Song song đó, nên phổ biến rộng rãi các “địa chỉ xanh”- cung cấp giống tốt- qua nhiều kênh thông tin để nông dân biết và tìm mua, tránh bị lừa. Nhiều năm qua, do cơ quan chức năng không biết, không kiểm tra xuể nên nhiều người làm ăn thất nhân tâm kiểu này vẫn nhởn nhơ làm hại nông dân. Trong nhiều trường hợp vì không có chứng cứ, hóa đơn mua bán nên nông dân không thể kiện cáo gì họ. Vì thế, việc xử lý các cơ sở, cá nhân cố tình bán giống dỏm cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa! |