Hội Nông dân An Giang đã hình thành mô hình liên kết, hợp tác “4 nhà” trong sản xuất lúa Nhật, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định với quy mô lớn về diện tích sản xuất, số lượng hộ nông dân tham gia theo từng vùng cụ thể phù hợp với quy hoạch của tỉnh (từ 25 – 30 tổ hợp tác sản xuất mang tính liên xã, với diện tích từ 3.500 – 4.000 héc-ta, trong đó có 100 – 150 héc-ta sản xuất giống).
Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh An Giang, Hội Nông dân tỉnh tiến hành triển khai các hoạt động, ban hành quyết định thành lập Ban Điều hành xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất lúa Nhật, với 7 thành viên. Ban Điều hành triển khai cho Hội Nông dân 5 huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân và thành phố Long Xuyên, cùng với UBND, Hội Nông dân 27 xã trong phạm vi đề án và hộ nông dân hiện đang sản xuất lúa Nhật, nông dân có nhu cầu trồng lúa Nhật. Tại các huyện, xã, Hội Nông dân đã phối hợp ngành Nông nghiệp và Công ty Angimex – Kitoku triển khai trong Ban Chấp hành Hội và Câu lạc bộ Nông dân, các cuộc họp dân định kỳ của địa phương.
Từ chỗ các hộ nông dân đăng ký sản xuất riêng lẻ với công ty, sau khi có đề án, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Angimex - Kitoku tiến hành khảo sát thực trạng tổ hợp tác ở 27 xã của 5 huyện và nhu cầu nông dân, rồi tổ chức họp dân giải thích rõ lợi ích tham gia tổ hợp tác trong sản xuất lúa Nhật. Từ cách làm đó, vụ đông xuân 2008 - 2009 đến nay, các xã củng cố 10 tổ hợp tác sản xuất và thành lập mới 30 tổ hợp tác, có hơn 1.423 thành viên với tổng diện tích qua các vụ lên đến 3.882,5 héc-ta. Song song đó, tổ chức 30 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa Nhật cho 987 thành viên các tổ, tập huấn nội dung hợp đồng hợp tác và quản lý…
Triển khai sản xuất cây lúa Nhật tại An Giang, sản lượng xuất khẩu của Công ty Angimex – Kitoku qua 6 vụ đạt 16.616,25 tấn, giá thu mua từ 6.000 đ/kg (đông xuân và hè thu 2009) đến 8.300 đ/kg (đông xuân 2008 - 2009), đó là chưa kể mức thưởng từ 300 – 500 đ/kg đối với lúa đạt phẩm cấp theo hợp đồng quy định. Lợi nhuận nông dân mỗi vụ đạt từ 15 triệu – 20 triệu đồng/héc-ta, có một số hộ đạt 25 triệu đồng/héc-ta.
Về giống từ chỗ phải nhập ban đầu ở Nhật, công ty đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông An Giang và nông dân giỏi có kinh nghiệm sản xuất thử nghiệm tại tỉnh, sau đó nhân rộng từ 50 héc-ta tăng lên hơn 150 héc-ta, đảm bảo đủ lượng giống cung cấp cho diện tích sản xuất lúa Nhật của tỉnh và không còn phải nhập khẩu như trước. Qua các vụ sản xuất lúa Nhật, nông dân từng bước sản xuất theo quy trình kỹ thuật, cải thiện được năng suất, chất lượng lúa – gạo, đảm bảo hợp đồng đã ký kết. Quá trình thực hiện đề án, được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của Huyện ủy, UBND các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên, cùng với Đảng ủy, UBND, cán bộ kỹ thuật viên nông nghiệp các xã, mô hình liên kết “4 nhà” dần dần hình thành rõ nét, tạo sự gắn bó giữa nông dân và doanh nghiệp, nâng cao vai trò điều hành và quản lý của Nhà nước trên địa bàn.
Thu nhập của nông dân tham gia sản xuất lúa Nhật tăng từ 1 đến 1,5 lần so với các hộ nông dân sản xuất lúa thường, có 2.793 hộ (tăng gần 4 lần so dự kiến ban đầu) với diện tích 3.882,5 héc-ta, thu nhập từ 35 triệu đến 37,5 triệu đồng/héc-ta/vụ và tương đương 105 triệu đến 112,5 triệu đồng/héc-ta/năm… Từ đó đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình của nông dân, góp phần tổ chức lại sản xuất và quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao và sản xuất theo hướng bền vững.