Vào những ngày này về Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, cùng với thu hoạch lúa hè thu bà con nông dân Nghệ An đang khẩn trương làm đất để gieo ngô vụ đông. Tranh chấp với trời để đưa cây ngô đông xuống ruộng năm nay ở vùng đất hữu ngạn, tả ngạn Thanh Chương cũng diễn ra khẩn trương.
Qua nhiều năm sản xuất bà con ở đây thấy rõ giá trị to lớn của cây ngô đông. Đó là cây lương thực duy nhất có thời gian sinh trưởng ngắn nhất, dễ tạo ra hàng hoá qui mô lớn và cho hiệu quả cao trên đơn vị sản xuất.
Cây ngô đông trên đất Nam Đàn
Chủ nhiệm HTX NN Thanh Dương, Nguyễn Sỹ Lục cho biết: "Sản xuất ngô đông thường gặp khó đầu vụ nhưng nếu vượt qua được thì dễ cho bội thu. Vụ đông 2009, thời tiết diễn ra phức tạp, mưa lụt kéo giai dẳng, việc làm đất gieo trỉa ngô cứ diễn ra ba chìm bảy nổi đã làm cho không ít người nao núng. Nhưng với chỉ đạo động viên kịp thời của UBND và HTX nên nông dân đã trồng 140 ha ngô đông. Phần lớn diện tích ngô đông của HTX lại trồng bằng giống ngô LVN14 ngắn ngày, chất lượng, được đầu tư thâm canh đạt năng suất bình quân gần 7 tấn/ha. Cá biệt nhiều trà đầu tư đạt xấp xỉ 9 - 10 tấn/ha. Tính ra, mỗi ha đất ở đây chỉ sau trăm ngày đã cho thu nhập 40 - 45 triệu đồng. Kết quả đó là mơ ước của bà con sau nhiều năm phấn đấu giờ mới thành hiện thực".
Bà con nông dân còn cho hay: So với nhiều nông sản khác thì sản phẩm ngô làm ra dễ tiêu thụ. Ngô sắp chín đã có nhiều thương lái đến trả giá đặt cọc, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.
Thực tế thì hiện thị trường tiêu thụ ngô còn đang bỏ ngỏ, cung chưa đáp ứng đủ cầu. So với lúa gạo, ngô là cây lương thực giàu chất dinh dưỡng được sử dụng tương đối đa dạng. Ngoài chế biến lương thực, ngô còn dùng chế biến thức ăn gia súc, làm nguyên liệu chính để sản xuất các loại bánh kẹo, nước giải khát. Xã hội phát triển, nhu cầu đời sống càng cao thì ngô lại được tiêu thụ nhiều. Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Phan Đình Hà cho hay: "Làm nông nghiệp mà không phải trăn trở với đầu ra thì đó là một niềm hạnh phúc của người nông dân".
Nhờ nắm bắt lợi thế đó mà mấy năm gần đây huyện Thanh Chương chỉ đạo nông dân khắc phục khó khăn thời tiết khắc nghiệt đầu vụ đưa bằng được cây ngô đông xuống ruộng 2 vụ từ vài trăm ha ở một vài xã nay đã lên trên ngàn ha trên địa bàn huyện. Vụ đông năm 2009 Thanh Chương đã chiến thắng mưa lũ gieo trồng trên 4.500 ha ngô đông, năng suất đạt 45,5 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Cây ngô đông thực sự đã làm cho "đất siêng, người siêng", đồng ruộng thêm vụ 3 bội thu, bà con nhiều nơi trong huyện có thêm nguồn thu nhập xoá bớt cái nghèo, cái khó tháng giáp hạt. Từ kết quả đó vụ đông này Thanh Chương đang tập trung đẩy mạnh phát triển cây ngô đông ở cả trên đồng, trên bãi với diện tích 5.500 ha.
Ở Diễn Châu - nơi có truyền thống thâm canh giỏi, đời sống người dân cũng khá hơn, cây ngô được coi là cây trồng chủ lực trong vụ đông, trung bình mỗi năm được cơ cấu 4500 ha. Ngoài trồng trên đất màu, diện tích trồng trên đất 2 lúa ngày một tăng dần xấp xỉ 2.000 ha. Đến đầu tháng 9 toàn huyện gieo trồng gần 3.000 ha, trong đó 2.500 ha trên đất màu, số còn lại trên đất 2 lúa.
Theo ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện: Trong số các loại cây trồng được cơ cấu vào ruộng 2 vụ thì chưa cây hàng hoá nào lại đầu tư thấp cho hiệu quả cao như cây ngô đông, trừ chi phí giống, phân bón trung bình mỗi sào cho thu nhập gần một triệu đồng. Khi bị gió bão cuốn ngập lụt cũng chỉ mất công làm đất và một ít giống, phân bón. Giống đã có nhà nước hỗ trợ nên dù trong hoàn cảnh và điều kiện khó khăn trên đồng đất Diễn Châu cây ngô đồng cũng toả màu xanh.
Vài năm nay, một số HTX đã phối hợp với Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An sản xuất giống ngô F1 theo cơ chế một ngô giống bằng 1,3 ngô thịt nên cây ngô đông cũng đang lên ngôi, mỗi sào trồng ngô đông thu 2 - 2,5 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế của cây ngô đông đã được khẳng định. Trong đề án sản xuất vụ đông hàng năm, tỉnh xác định cây ngô là cây trồng chủ lực để sản xuất hàng hoá phục vụ nguyên liệu chế biến với diện tích phấn đấu 35000 - 40.000 ha, trong đó diện tích trồng trên đất màu 20.000 - 22.000 ha và 10.000 - 15.000 ha trồng trên ruộng 2 vụ.
Thực tế qua các vụ sản xuất gần đây cho thấy, sản xuất ngô đông luôn đối mặt với nhiều thách thức khó khăn của thời tiết. Nhất là đầu vụ mưa bão xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến làm đất, gieo trỉa và khâu bảo vệ. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cây ngô đông vẫn phát triển từng bước chiếm ưu thế.
Năm 2009, toàn tỉnh Nghệ An gieo trồng gần 29.000 ha được đánh giá là năm vượt trội cả diện tích và năng suất so với năm 2008. Trong đó, diện tích tăng trên 7.000 ha và năng suất tăng gần 13 tạ/ha. Vụ đông năm nay, dự kiến toàn tỉnh gieo trồng 35.000 ha ngô đông, phấn đấu đạt sản lượng 147.000 tấn. So với năm ngoái năm nay cây ngô đông được mở rộng diện tích tăng trên 6.100 ha và sản lượng tăng 30.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, chỉ tiêu kế hoạch đó là rất khiêm tốn và hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu đạt và vượt. Để bảo đảm an toàn cho cây ngô đông, chủ trương của ngành chỉ đưa xuống ruộng 2 vụ ở những nơi cao vàm không bị ngập của các huyện đồng bằng, miền núi thấp với diện tích 13.000 ha; diện tích còn lại sẽ mở rộng gieo trồng trên đất đồi vệ, ven sông và đất màu.
Việc sử dụng phương pháp trồng ngô bầu và mạ ngô để phòng tránh thiên tai cũng được quan tâm trong chỉ đạo. Các trạm khuyến nông các huyện tiến hành tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng. Dựa trên định hướng của tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn các nhà cung ứng đã đưa về nhiều giống ngô mới phục vụ thâm canh trên đồng ruộng như: giống trung ngày: CP888, CP989, CP333, NK66, NK6654, DK9901, 30Y87; giống ngắn ngày: LVN14, Bio06, LVN61, CP3Q, CPA88, CP999, LVN4, MB69, Ngô nếp VN2.
Tháng 9 là tháng chính vụ trồng ngô đông, thời tiết thuận là điều kiện cho cây ngô đông phát triển trên địa bàn Nghệ An.