Tay vắt sau lưng, lão Thao ở thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài (Cầm Giàng-Hải Dương) tản bộ thăm đồng. Nhìn đồng lúa nặng trĩu bông đang độ xuôi hạt, lão cảm thấy cay cay sống mũi. Mấy năm trước lúa được mùa như thế thì lão vui lắm. Nhà lão Thao có 7 sào lúa, nếu chịu khó cày cuốc, thừa thóc ăn. Cầm bông lúa nặng trĩu trên tay lão nói về ước mơ tự ngàn đời của người nông dân: “Người nông dân chỉ cảm thấy yên tâm khi thóc đầy bồ. Tháng ba ngày tám không phải chạy vạy ăn đong là sướng nhất trần gian rồi”. Trái ngược với những niên vụ trước, năm nay tâm trạng lão lại rối bời. Bởi lẽ những “bờ xôi ruộng mật” đó sắp sửa bị người ta đổ cát lấp làm công nghiệp. Cũng giống như lão Thao, nhiều nông dân ở thôn Kim Xá đang mất dần những miếng đất cuối cùng. Theo đúng tiến độ thì người ta đã lấp cả đồng lúa rồi. Lão Thao bảo: “Cách đây hơn một tháng bà con đã phải “tử thủ” mới giữ được đồng lúa này”. Chẳng là khi ấy Cty Đại An - chủ đầu tư KCN Đại An (Hải Dương) quyết định cho xe ủi, máy xúc, xe ben chở đất để lấp diện tích họ đã giải phóng mặt bằng và đền bù. Theo lý giải của DN này thì giai đoạn II của KCN đã được họ đền bù, nên Cty có quyền đổ đất, san ủi. Quá tiếc công sức của mình đã đổ ra trên đồng ruộng cả thôn Kim Xá ra chặn không cho DN đưa máy móc vào. Không phải bà con chống đối mà do diện tích lúa trồng trong KCN đang trong thời kỳ trổ bông, chuẩn bị thu hoạch. May không có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Về phần DN, cái lý của họ nghe rất phải. Nhưng nông dân lại có cách nghĩ khác. Theo ông Nguyễn Đức Duy, Chủ nhiệm HTX Cẩm Đoài, thì rõ ràng việc người dân cấy lúa trong đất của KCN là chưa đúng nhưng thấy đất trong KCN chưa dùng đến, nên họ “mượn tạm” canh tác thì...chết ai. Ngoài ra, trong quá trình “đàm phán” để đi đến thống nhất giữa người dân và Cty Đại An, DN này cam kết sau khi thu hồi đất sẽ xây dựng hệ thống mương tiêu cho diện tích canh tác còn lại của thôn, quy hoạch nghĩa địa và xây dựng khu vực thu gom rác thải. Nhưng đến nay, theo nhân dân xã Cẩm Đoài, cả 3 công trình trên, thậm chí chưa được quy hoạch trên giấy tờ, chứ chưa nói gì đến xây dựng. Vì thế mà bà con bức xúc, cảm giác bị “lừa”. Họ cho rằng, nếu Cty Đại An “không có động thái gì”, thì họ sẽ tiếp tục canh tác trên đất đã được đền bù. Một xã mất 260/390ha đất lúa Chuyện mâu thuẫn giữa DN và nông dân trong KCN không chỉ diễn ra ở Hải Dương. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nông dân cũng sử dụng lều bạt, nhân công ngăn cản không cho các DN đổ đất san nền. Chỉ riêng tại tỉnh Bắc Ninh, chưa đầy 10 năm kể từ khi mở cửa đón những nhà DN đầu tiên vào đầu tư, từ một tỉnh thuần nông có diện tích nhỏ nhất nước, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp lớn của miền Bắc. Song đi đôi với thành tích đó, là cái giá mà hàng trăm nghìn người nông dân phải gánh... Ông Phạm Văn Hoàn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, thừa nhận chuyện DN lấy đất sản xuất của nông dân nhưng chưa đưa vào xây dựng hạ tầng là có thật ở Hải Dương. Và ông Hoàn cũng không chối, việc lấy diện tích đất trên là vi phạm chủ trương không lấy đất “bờ xôi ruộng mật”, tức là đất hai vụ lúa. Tuy nhiên, ở Hải Dương hầu như chỗ nào cũng là “bờ xôi ruộng mật” cả. “Vả lại việc quy hoạch các khu, cụm CN là do Chính phủ phê duyệt, tỉnh có thẩm quyền làm việc này đâu”, ông Hoàn lý giải.
Câu chuyện bị thu hồi đất dẫn đến phải “canh tác chui” đối với người nông dân Bắc Ninh không còn là chuyện mới. Từ năm 1998, khi con đường 1A mới được hoàn thành, cũng là lúc hàng chục xã được UBND tỉnh Bắc Ninh chọn để xây dựng các KCN. Hoàn Sơn là một trong những xã đầu tiên của huyện Tiên Du và tỉnh Bắc Ninh chịu tác động của quá trình này. Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Khương cho biết: “8 năm trước, xã tôi thuần nông, người dân quanh năm chỉ biết cày cấy. Thế nhưng bây giờ đâu đâu cũng là Cty, NM, đất lúa vắng bóng dần”. Kể từ năm 1999 tới nay, riêng xã Hoàn Sơn đã phải “nộp” tới 260/390ha đất nông nghiệp vào các KCN Tiên Sơn và KCN Hoàn Sơn- Đại Đồng. Tại nhiều thôn, diện tích đất bị thu hồi đã lên tới 90-95%, thậm chí một số hộ không còn tấc đấc “cắm dùi”. Chỉ tay vào thửa ruộng vừa bị san phẳng, anh Mai Định, một nông dân ở thôn Đoài nói: “Nhà tôi có 1 mẫu ruộng, thì bị thu đến 7 sào rồi, bây giờ cả nhà 7 miệng ăn chỉ còn biết trông vào 3 sào ruộng, trong khi việc làm mới thì chưa tìm được”. Chính vì lý do này mà tận dụng quãng thời gian các KCN chưa có nhà đầu tư thuê đất, nông dân đã tự ý vào canh tác. |