00:00 Số lượt truy cập: 3077315

Chăn nuôi an toàn: Đếm trên đầu ngón tay 

Được đăng : 03/11/2016

Trong khi các dự án đầu tư sản xuất nông sản quy trình an toàn khá mạnh dạn thì những dự án dành cho lĩnh vực chăn nuôi có phần dè dặt hơn. Bài toàn đau đầu vẫn là tập trung ở khâu vốn đầu tư chăn nuôi lẫn đầu ra cho sản phẩm sạch.


“Rón rén” đầu tư

Tỉnh Thái Nguyên đã có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, nhưng vẫn chưa triển khai được theo hướng chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ, sản phẩm an toàn. Điều đáng ghi nhận là mới chỉ xuất hiện vài mô hình chăn nuôi an toàn đơn lẻ đến từ sự đầu tư của các DN. Theo hướng chăn nuôi an toàn đối với chăn nuôi lợn, hiện toàn tỉnh mới chỉ có Cty CP chăn nuôi VN thực hiện đúng quy trình, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến bao tiêu sản phẩm.

Người chăn nuôi trở thành “người gia công” sản phẩm chăn nuôi, chứ không phải người chủ của đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, đã đổ tiền vào đàn lợn, không ít bà con nông dân gặp rủi ro về dịch bệnh và một loạt các chi phí quá cao trong quá trình nuôi. Việc kẹt vốn khi đổ hàng đống tiền vào những việc như thuê máy nổ cả ngày trời để chạy quạt mát cho đàn lợn những khi mất điện là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Tại Nam Định, các mô hình chăn nuôi sạch tại tỉnh mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Sở NNPTNT tỉnh, từ tháng 7 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ triển khai được 3 mô hình chăn nuôi theo hướng Vietgap với tổng đàn lợn và gà là khoảng 25.500 con. Tuy vậy, cơ quan này tự nhận thấy những mô hình này chỉ trong giai đoạn đầu thực hiện, chưa có sản phẩm ra thị trường.

Những mô hình này là do chủ trang trại tự nguyện đăng ký, sau khi sở đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Vietgap cho các chủ trang trại trong tỉnh. Một chủ trang trại nuôi lợn theo hướng Vietgap ở xã Yên Lợi (huyện Ý Yên) cho biết, trong hơn 70 chỉ tiêu thực hiện theo hướng Vietgap, thì trang trại đã đạt khoảng hơn 50 chỉ tiêu, như tiêm vắcxin, nguồn nước, thức ăn, nước thải qua xử lý... Chủ hộ này bày tỏ tỏ khó khăn, lúng túng khi phải ghi chép vào các bảng biểu những việc đã thực hiện trong quá trình chăn nuôi lợn (để phục vụ việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm sau này) vì “chưa quen và hơi rắc rối”.

Thiếu quá nhiều thứ!

Cho đến thời điểm này, trang trại của ông Võ Văn Chung (Hai Chung, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) được xem là nơi triển khai nuôi lợn sạch duy nhất trên vùng ĐBSCL. Là người nuôi lợn chuyên nghiệp, lập trang trại từ rất sớm, được đi nước ngoài học tập kinh nghiệm chăn nuôi, ông Hai Chung đã tự giác triển khai nuôi lợn sạch cách đây 5 năm với quy trình cực kỳ chuyên nghiệp như: Cách ly chuồng với khu chăn nuôi, không dùng thuốc tăng trọng, sử dụng nguồn nước giếng khoan tại chỗ qua xử lý đúng chuẩn, chuồng trại cao ráo, thông thoáng, hệ thống thải biogas...

Kết quả mỹ mãn: Lợn giống từ trang trại của ông luôn được mua với giá cao hơn 20 – 30% so với bình thường, giá lợn hơi cũng được thương lái và các cơ sở giết mổ mua cao hơn bình thường 200.000 đ/tạ, vì tỉ lệ nạc cao, màu thịt tươi ngon, có xác nhận kiểm dịch...

Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, điều kiện đầu tư như mô hình của ông Hai Chung nói trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ghi nhận thị trường, giá thịt lợn thương phẩm sạch tại siêu thị khó lòng đấu được với giá thịt lợn tràn lan tại chợ. Bà con nông dân khó lòng đủ vốn và điều kiện để đầu tư chăn nuôi theo quy trình hoàn toàn sạch như đúng quy định của ngành nông nghiệp về chăn nuôi an toàn do thiếu đủ bề, từ vốn đến quỹ đất, đầu ra sản phẩm... Nhiều nông dân ở Nam Định băn khoăn, ngay cả khi được cấp giấy rồi, giá sản phẩm vẫn bị đánh đồng với những sản phẩm không thực hiện theo hướng Vietgap.

Ông Nguyễn Tiến Vững - Phó phòng Chăn nuôi thuộc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định - nêu khó khăn: “Chúng tôi đã hướng dẫn những trang trại thực hiện việc ghi chép vào các bảng biểu, nhưng nhiều chủ trang trại còn ngại ngần và lúng túng trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, còn thiếu kinh phí trong việc tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng cổng thông tin thú y cho những trang trại thực hiện Vietgap...".