Chăn nuôi điêu đứng vì dịch tai xanh
Được đăng : 03/11/2016
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa họp khẩn cấp tìm cách tháo gỡ cho người chăn nuôi đối mặt với thị trường thịt lợn suy giảm nghiêm trọng (giảm từ 40 đến 50% so với bình thường) sau khi bùng phát dịch lợn tai xanh.
Hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra rằng lợn mắc bệnh tai xanh lây bệnh cho người nhưng nhiều phương tiện thông tin đại chúng vẫn cảnh báo nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn do ăn thịt lợn mắc dịch lợn tai xanh.
Một tuần trở lại đây, tình hình tiêu thụ thịt lợn có sôi động hơn, nhưng theo Cục Chăn nuôi, mức tiêu thụ hiện vẫn giảm trên 35% so với bình thường (tương đương giảm trên 100 nghìn tấn/tháng). Tại miền Bắc, đối với lợn thịt 100% ngoại nhập, giá từ bình quân 30,7 ngàn đồng/kg vào tháng 3, tới tháng 4, giá lợn thịt giảm 15%, còn 25 - 26.000 đồng/kg. Với lợn lai nuôi trong hộ gia đình, giá thấp hơn lợn ngoại từ 6.000 - 8.000 đồng/kg- giảm khoảng 22 - 24%. Cũng cảnh ngộ với lợn thịt, giá lợn giống cũng giảm theo. Tại các cơ sở giống lợn ở miền Bắc, lợn choai để nuôi thương phẩm loại 40 kg/con giá bình quân giảm xuống còn 35,7 ngàn đ/kg trong tháng 5, trước đó, trong tháng 4 là 42,5 ngàn đ/kg.
Mặc dù giá thịt lợn xuất chuồng giảm mạnh, song giá lợn thịt bán lẻ tại các chợ vẫn giảm không đáng kể, nhưng lượng thịt tiêu thụ tại các thành phố lớn ở miền Bắc đã giảm nhiều. Riêng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội thì gần như đã “đóng băng”. Một vấn đề đáng lo ngại khác mà Cục Chăn nuôi đưa ra, trong khi lợn thịt và lợn giống trong nước đang tắc đầu ra thì tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2010 khoảng trên 50.000 tấn, trong đó chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm lợn đông lạnh (chiếm khoảng 95%). Đặc biệt, sau khi xảy ra dịch lợn tai xanh, sản lượng thịt lợn nhập khẩu có xu hướng tăng. Các địa chỉ nhập khẩu thịt lợn chủ yếu là từ châu Âu - 85,9%, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc): 12,7% - nơi trước đây vốn là thị trường xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam. Còn lại là các nước Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Thực trạng trên đang khiến nhiều người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không bán được lợn đã đến kỳ xuất chuồng. Ông Đỗ Văn Chung, giám đốc Công ty lợn giống miền Bắc (Hưng Yên) cho biết, không chỉ có lợn thịt của các chủ trang trại lớn chịu cảnh ế ẩm và hạ giá mà những chủ trại nuôi lợn giống hiện cũng đang lâm vào cảnh này. Nhiều chủ chăn nuôi mặc dù đã có đơn đặt hàng lợn giống từ trước nhưng vì e ngại dịch “tai xanh” nên sẵn sàng hủy hợp đồng, không mua giống nữa. Hiện tại, trại giống của Công ty lợn giống miền Bắc đang tồn hơn 400 con lợn giống cỡ 40 - 45 kg/con đã quá tuổi xuất chuồng và hơn 100 con lợn thịt trên 100 kg/con. Còn theo Trung tâm giống Thụy Phương, do bị hủy hợp đồng cung cấp giống nên trung tâm này đã phải bán hơn 1.000 con lợn giống với giá... lợn thịt. Lợn giống bình thường 60 - 80kg/con bán giá 45 - 50 nghìn đồng/kg nhưng do không bán được giống nên lợn giống to tới 1,3 – 1,5 tạ, hiện bán giá lợn thịt 18 nghìn đồng/kg nhưng vẫn bị chê.
Trước thực trạng này, Bộ NN - PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu tạo điều kiện cho việc thông thương lợn khỏe mạnh. Văn bản của Bộ NN - PTNT nêu rõ, đối với lợn khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trại chăn nuôi tập trung nằm trong các xã có dịch, nếu vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh “tai xanh” thì vẫn được phép vận chuyển sang địa điểm nuôi mới hoặc lò mổ ngoài tỉnh, với điều kiện lợn phải được kẹp tai, xe chở lợn được niêm phong...Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai theo chỉ đạo của Bộ NN - PTNT vẫn còn gặp quá nhiều nhiêu khê trong xin cấp giấy chứng nhận vận chuyển lợn đi các tỉnh khác.
Ông Đỗ Văn Chung cho biết, mặc dù trại lợn của ông hoàn toàn đảm bảo việc tiêm phòng và xét nghiệm không có virus “tai xanh” nhưng hiện Chi cục Thú y Hưng Yên vẫn không cấp giấy kiểm dịch cho vận chuyển ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nếu được tỉnh sở tại cấp giấy chứng nhận thì khi chuyển đến tỉnh nào lại phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của tỉnh đấy... làm khó cho việc vận chuyển.
Theo Cục Chăn nuôi dự báo, hơn 130 nghìn đầu lợn mắc bệnh và số lợn tiêu hủy đến thời điểm này so với tổng đàn lợn toàn quốc trên 27 triệu con. Đây là số lượng tuy không lớn nhưng nguy hiểm nhất là việc người chăn nuôi e ngại ngừng tái đàn trong thời gian dài sẽ kéo theo hậu quả nguy hiểm khiến “cầu” thịt lợn giảm rất mạnh. Trong khi đó, việc người tiêu dùng e ngại và quay mặt với thịt lợn sẽ làm cho người chăn nuôi điêu đứng hơn.
Được biết, năm 2008, sau khi hết dịch, giá thịt lợn tăng không dưới 20%. Tuy nhiên năm 2008, vùng dịch chỉ ở phạm vi hẹp tại một số tỉnh miền Trung. Nhưng năm nay tình hình sẽ rất khác khi hiện đã có 15 tỉnh thành có dịch “tai xanh”. Vì vậy ảnh hưởng của dịch “tai xanh” đến thị trường có thể sẽ nặng nề hơn nhiều.