00:00 Số lượt truy cập: 3083689

Chăn nuôi tập trung xa khu dân cư: Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm qua, mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đi vào hoạt động đã làm cho diện mạo nông nghiệp thành phố Hà Nội ngày một thay đổi. Tỷ trọng chăn nuôi đã chiếm trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp, trở thành hướng giúp nông dân làm giàu.


Cơ hội để nông dân thoát nghèo

Có một thực tế, nếu như 5-7 năm về trước, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chỉ biến động từ 1-2 lần trong năm theo mùa vụ, thì hiện nay giá TĂCN biến động hằng tháng rất thất thường. Nếu chăn nuôi theo kiểu ngẫu hứng, thấy giá thịt thương phẩm cao, người chăn nuôi đổ xô nhập giống không biết chất lượng ra sao, không có thức ăn dự phòng… khi giá TĂCN, thuốc thú y… tăng chóng mặt như thời gian cuối năm 2008 và tháng 6 vừa qua thì chỉ có nước sạt nghiệp, anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (Ứng Hòa) phân tích. Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi đầu tư hạ tầng, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư, tổ chức nuôi theo hướng hiện đại khép kín thì vẫn có thể trụ vững qua các cơn bão giá. Lý do anh Thanh đưa ra khá hợp lý: Trong 1 năm, HTX xuất chuồng khoảng 3-4 lứa lợn hơi, trong đó không phải lứa lợn nào cũng "dính bão giá" TĂCN, lứa lỗ, lứa hòa, lứa lãi vậy là tổng cộng cả 3-4 lứa lợn trong năm vẫn bảo đảm doanh thu duy trì sản xuất. Mặt khác nếu các trang trại chăn nuôi lớn liên kết với nhau mua TĂCN, thuốc thú y trực tiếp của các hãng sản xuất lớn thì đều có ưu đãi, khuyến mãi, chiết khấu phần trăm theo quy định nên thường rẻ hơn mua qua đại lý 10-15%. Thực tế, qua 3-5 năm hoạt động của 2 mô hình HTX chăn nuôi Cổ Đông ở Sơn Tây và Hòa Mỹ (Ứng Hòa), mô hình chăn nuôi ở Đồng Tâm (Mỹ Đức)... đã minh chứng một hướng đi đúng của mô hình chăn nuôi xa khu dân cư.

HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) hiện có 120 xã viên, là chủ trang trại chăn nuôi ở khắp các huyện, thị xã, tổng giá trị tài sản của các xã viên lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Mỗi xã viên ít nhất có 300 lợn thịt, 2.000 gà/lứa hoặc100 lợn nái ngoại trở lên. Bên cạnh nguồn thu chính từ chăn nuôi, các trang trại còn thu một lượng lớn hoa màu là rau sạch, cây ăn quả như xoài, vải, nhãn, đu đủ... Nhiều trang trại còn đầu tư từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để xây dựng hầm biôga, tự túc tới 40% nguồn điện làm mát trong mùa hè hoặc làm ấm về mùa đông cho hệ thống chuồng trại. Mỗi tháng HTX đứng ra cung ứng từ 120-150 tấn TĂCN cho xã viên.

Tương tự như vậy, trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại Cường Thành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) có số lượng 1.300 con, tạo việc làm cho 24 lao động, thu nhập bình quân 1,5-2,4 triệu đồng/tháng. Với diện tích 7ha đất canh tác kém hiệu quả và xa khu dân cư, toàn bộ con giống sản xuất ra đều do Công ty CP Group (Thái Lan) nhận 100% và cung ứng cho thị trường của các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên... Trang trại này còn mời Trung tâm Công nghệ Môi trường FOMACH về xử lý nước thải, Viện Vật lý điện tử xử lý khí, Công ty Công nghệ hóa sinh (Hà Nội) hướng dẫn xây dựng hệ thống biôga, bể sinh học, máy ozôn, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo GS-TS Vũ Trọng Khải: Thời buổi hội nhập hiện nay, đối với người sản xuất nông nghiệp nói chung và nhất là các chủ trang trại nói riêng, sự cạnh tranh không chỉ giới hạn trong nước mà còn cả thế giới. Nếu trước đây các nước lập ra hàng rào thuế quan để ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp từ ngoài thì ngày nay lại lập ra hàng rào kỹ thuật (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, truy xuất nguồn gốc… nói chung là những vấn đề liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng). Do vậy, vấn đề sản xuất theo GAP (Good Agriculture Practices - thực hành nông nghiệp tốt) đang là hướng mà ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện, trong đó có việc trang trại gắn với các mô hình sản xuất tập trung, xa khu dân cư là sự lựa chọn tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư chính là mặt bằng và khả năng tích tụ ruộng đất của các chủ trang trại. Hiện nay việc đưa chăn nuôi xa khu dân cư đối với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Nhiều nơi đất bỏ hoang hoặc thâm canh kém hiệu quả nhưng các hộ làm ăn lớn muốn thầu khoán để tổ chức sản xuất theo hướng quy mô, hiện đại thì lại hết sức khó khăn. Thực tế có nhiều chủ trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì) phải thuê lại của các hộ có ruộng khác với giá trên 1 triệu đồng/sào. Như vậy muốn thuê 1ha ruộng trũng để phát triển chăn nuôi cũng phải thuê gần 30 triệu đồng/năm. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều huyện như Gia Lâm, Sóc Sơn… Quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, các huyện muốn quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư nhưng không có quỹ đất, các hộ tự tổ chức dồn đổi cho nhau thì cũng khó vì không có một đơn vị đứng ra làm trung gian, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên…

Những lý do trên đây đã khiến tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội, hiện nay Sở NN & PTNT cũng đang hoàn thiện đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư ra khu tập trung, tránh ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó còn sớm phải có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo đòn bẩy cho ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển bền vững.