00:00 Số lượt truy cập: 3044970

Chàng thanh niên nuôi bò sữa 

Được đăng : 03/11/2016

Làm trang trại, nuôi bò sữa, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, đó là kết quả lao động khá ấn tượng của Trần Duy Đức ở xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Năm nay anh mới hơn 30 tuổi đời.


Trần Duy Đức sinh ra ở một xã nông thôn có nền kinh tế chưa phát triển. Học hết lớp 9, bạn bè rủ vào Nam làm thuê nhưng anh nhất quyết không đi. Năm 1994 anh cùng gia đình xung phong nhận khai hoang đất của nông trường Đông Hiếu. Vào thời điểm đó sau khi giao đất cho các gia đình, nông trường có chủ trương vận động nhân dân khai hoang một số khu vực thuộc đất nông trường nhưng chưa đưa vào khai thác nhằm tạo vành đai sản xuất. Những giọt mồ hôi khổ cực của gia đình anh đã được đền đáp bằng diện tích gần 9 ha đất khai hoang.

Những ngày đầu trên mảnh đất vừa khai hoang thật vất vả, hoa màu bị trâu bò thả rông ăn và dẫm nát, bị bẻ trộm, lán canh nương dựng lên thì bị đốt cháy. Gia đình nản chí đã định từ bỏ nhưng Đức vẫn bền lòng. Thức trắng năm ngày năm đêm liền để canh nương rẫy, cuối cùng anh đã bắt được đàn trâu, bò phá hoại. Mặc dù rất giận nhưng anh đã bình tĩnh dẫn đàn trâu về giao lại cho chủ, anh thuyết phục để bà con hiểu và yêu cầu họ cam kết không thả rông trâu bò nữa.

Vừa trồng hoa màu anh vừa dành dụm tiền để phát triển chăn nuôi. Nhận thấy trang trại của mình rất thích hợp chăn nuôi bò nên anh quyết định đầu tư phát triển đàn bò. Anh cho và bán bớt đất, chỉ giữ lại 3ha. Số tiền dành dụm anh đầu tư gây dựng đàn bò. Đến năm 2003, đàn bò của anh đã có 22 con, ước tính trong tay đã có gần một trăm triệu đồng.

Năm 2004, dự án chăn nuôi bò sữa được triển khai tại huyện Nghĩa Đàn. Anh quyết định vay 96 triệu tiền dự án và bán đàn bò vàng để mua 12 con bò sữa. Sau gần hai năm, sản lượng sữa đàn bò của anh đạt quá thấp, chi phí lại quá lớn. Lúc này anh mới vỡ lẽ là bản thân mình và bà con đã nhận thức sai: Vì sợ đàn bò nhập ngoại không thích nghi được với khí hậu địa phương nên anh và một số bà con đã chọn mua bò F1 đã được lai tạo. Loại bò này cho sản lượng sữa rất thấp và chất lượng sữa lại không tốt. Dự án bò sữa của anh gần như phá sản...

Không nản chí, anh bỏ thời gian đi tìm hiểu kinh nghiệm nuôi bò sữa của các hộ trên địa bàn, rồi anh ra tận tỉnh Tuyên Quang, Sơn La để học tập kỹ thuật nuôi bò sữa. Trở về, anh quyết định bán toàn bộ bò lai F1 để làm lại từ đầu. Ai cũng cho rằng anh đã quá liều lĩnh. Số tiền bán toàn bộ bò sữa lai F1 chỉ được 58 triệu. Anh tiếp tục vay của nhà máy sữa 38 triệu đồng cùng với vay mượn bạn bè, gia đình và vốn tích lũy của mình dồn toàn bộ mua được 15 con bò sữa ngoại gốc Hà Lan.

Anh nhờ kỹ sư của nhà máy sữa tư vấn đồng thời tự mình trực tiếp tuyển chọn bò giống. Khi trời chưa sáng, những người cùng đi mua bò với anh đang say sưa ngủ thì anh đã dậy để quan sát công nhân vắt sữa. Theo anh, làm như vậy vừa học được kỹ thuật vắt sữa và chăm sóc đàn bò vừa quan sát cụ thể con bò nào cho sản lượng sữa cao để mình mua về.

Trời không phụ công người, đàn bò của anh cho sản lượng sữa rất cao, có những con cho 30 - 35 lít/ ngày. Sau một thời gian anh lại bán 6 con bò sữa để trả nợ. Tính đến nay trong tay anh còn 9 con bò sữa, trong đó có 5 con đang cho khai thác sữa với sản lượng 80 - 85kg sữa/ngày. Tính theo giá sữa hiện nay trên thị trường là 7.100đồng/kg, mỗi ngày anh lãi khoảng 300.000 đồng từ nguồn sữa.

Theo anh Đức, việc nuôi bò sữa không nên chạy theo số lượng con mà phải biết tập trung đầu tư vào khâu chăm sóc. Biết xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho từng con, từng giai đoạn thì sản lượng sữa mới cao. Sản lượng sữa của 5 con bò gia đình anh bằng 8 - 9 con của gia đình khác.

Ngoài bò sữa, trang trại của Đức còn có gần 200 gốc vải, nhãn lấy giống từ Hưng Yên (cho thu hoạch trên 15 triệu đồng/năm), 2 ha mía (cho thu nhập 40 triệu/năm). Anh còn mạnh dạn trồng thử nghiệm giống cỏ VA06 để làm thức ăn cho bò. Ba luống cỏ giống VA06 của anh đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An thu mua với giá gần 30 triệu đồng để phục vụ dự án phát triển giống cỏ VA06 trên địa bàn Phủ Quỳ. Ngoài ra anh còn trồng được hơn 500 cây lát hoa và bước đầu gây dựng đàn dê với gần 30 con. Đang bò Sind đực giống của anh ngoài khai thác làm sức kéo cũng cho thu nhập 500.000- 700.000 đồng/tháng. Tổng cộng mỗi năm Đức thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ngôi nhà nhỏ của Đức đã đón tiếp không biết bao nhiêu lượt người đến tìm hiểu và học tập, trong số đó có không ít những người trong độ tuổi thanh niên của xã Nghĩa Mỹ và thị xã Thái Hòa. Những người đến học tập mô hình làm kinh tế của anh đều được anh hướng dẫn, trao đổi một cách chân tình cởi mở và thiết thực.

Nhiều người khen anh nuôi bò sữa "mát tay", còn Trần Duy Đức chỉ cười: "Đừng nản chí, biết tìm học và áp dụng khoa học kỹ thuật thật nghiêm túc thì tay ai cũng mát cả thôi !"