00:00 Số lượt truy cập: 2999276

Chàng trai Vân Kiều thoát nghèo nhờ trồng rừng 

Được đăng : 03/11/2016
Nghe bà con Vân Kiều ở xã Trường Xuân ca ngợi và kể nhiều về chuyện làm giàu Hồ Lịch (tên gọi khác là Hồ Soa) đã lâu, nhưng tại Đại hội Đảng bộ xã Trường Xuân lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, tôi mới có dịp trò chuyện và hiểu thêm về chuyện làm giàu của anh.



Sinh ra trong một gia đình Vân Kiều nghèo ở Khe Dây, xã Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình, từ nhỏ đã từng được bố mẹ đưa theo lên nương, lên rẫy, nên Hồ Lịch có nhiều gắn bó và rất hiểu những cánh rừng bạt ngàn ở quê mình. Tuy nhiên, do tập quán còn lạc hậu, do nhu cầu miếng cơm manh áo hàng ngày, nhiều đời nay, người Vân Kiều ở đây vốn chỉ quen với việc lên rừng làm rẫu hoặc khai thác nguồn sống từ rừng chứ mấy ai dám nghĩ đến chuyện trồng rừng và làm giàu từ rừng. Nhưng từ khi Hồ Lịch trồng rừng cho đến nay, cả xã Trường Xuân đã có hàng trăm hộ nhận rừng về trồng và ngày càng "ăn nên làm ra" nhờ rừng.


Cũng như nhiều xã có rừng khác ở Quảng Ninh, Quảng Bình, từ những năm 1990 trở về trước, cả vùng Trường Xuân rộng lớn, số diện tích đất trống, đồi núi trọc còn khá nhiều. Hết mùa rẫy, cùng với trai tráng trong bản, trong vùng, Hồ Lịch cũng vào rừng tìm trầm về bán kiếm tiền mua gạo nuôi sống gia đình. Được cử tham gia UBMT Tổ quốc xã Trường Xuân, rồi được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đảng uỷ xã, giữ chức Chủ tịch UBMT xã, được tiếp xúc với nhiều người, được hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng, năm 1995, Hồ Lịch quyết định bàn với gia đình nhận đất trống đồi núi trọc để trồng rừng kinh tế.


Năm 1994, được UBND xã Trường Xuân giao cho 10 ha đồi trọc ngay sau nhà, sau giờ làm việc ở cơ quan, về nhà Hồ Lịch lại lên đồi đào hố trồng cây một mình. Không có vốn mua cây, vợ chồng Hồ Lịch tìm đến những nơi sản xuất cây bạch đàn giống, keo lá tràm "mua chịu" cây về trồng trước rồi trả dần theo thoả thuận.

Đến cuối năm 1996 vợ chồng Hồ Lịch đã trồng phủ kín bằng các loại cây bạch đàn, keo lai, tràm hoa vàng . Năm 1999 khi cây đã lớn, gia đình Hồ Lịch đã có nguồn thu nhập

đầu tiên từ tiền bán cây để đầu tư tái sản xuất.

Năm 2001, diện tích 10 ha rừng đã mang về cho Hồ Lịch một khoản tiền không nhỏ trên 20 triệu đồng. Đến năm 2004 và 2005 anh mạnh dạn xin UBND xã Trường Xuân nhận thêm 4 ha đất đồi trọc nữa để phát triển diện tích rừng gia đình. Ngoài diện tích cây keo, cây bạch đàn đã trồng, Hồ Lịch còn trồng thêm được gần 300 cây trầm dó làm thử nghiệm để sau đó nhân rộng mô hình và trồng đại trà.


Hiện nay, từ 14 ha rừng đã cho thu hoạch, gia đình Hồ Lịch đã có nguồn thu gần 100 triệu đồng từ tiền bán cây. Có thu nhập cao, kinh tế gia đình Hồ Lịch ngày càng cải thiện. Anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học thành người, trong đó có người là sỹ quan công an huyện Quảng Ninh.


Học theo cách làm của Hồ Lịch, ở Trường Xuân có hàng chục hộ gia đình Vân Kiều đã mạnh dạn xin nhận trên 1.000 ha đất để trồng rừng kinh tế cho hiệu quả cao, hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.


Theo sự giới thiệu của Hồ Lịch, tôi đã được đến tham quan mô hình vườn rừng kinh tế của gia đình ông Hồ Thu ở bản Lâm Ninh. Xuât thân trong một gia đình dân tộc Vân Kiều có cuộc sống vốn khó khăn, thiếu thốn, nên trước đây cuộc sống của gia đình ông Hồ Thu cũng gặp không ít khó khăn. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình quản lý, vợ chồng ông Hồ Thu đã quyết định nhận 10 ha để trồng rừng kinh tế. Bên cạnh trồng các loại cây tràm hoa vàng, bạch đàn, lợi dụng điều kiện đất đai còn rộng, gia đình ông còn chăn nuôi thêm bò đàn, gà, vịt và chăn nuôn lợn thịt để tăng thu nhập. Hiện nay, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình Hồ Thu còn thu lãi được trên 40 triệu đồng, nhờ đó kinh tế ngày càng được cải thiện.


Không chỉ có Hồ Thu, mà còn rất nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều khác ở Trường Xuân cũng đã và đang thoát nghèo nhờ rồng rừng theo cách của Hồ Lịch.