Hôm qua 29/11, trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ I năm 2009 tại Hậu Giang, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo quốc tế Lúa gạo Việt Nam - Xuất khẩu và hội nhập với sự tham gia của rất nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia về lúa gạo trong và ngoài nước.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết từ đầu năm đến nay chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu được hơn 6,82 triệu tấn gạo, trong đó đã xuất được gần 5,7 triệu tấn, số còn lại sẽ giao trong cuối năm và đầu năn 2010. Nếu năm 2008 là năm đánh dấu mốc kim ngạch xuất khẩu gạo vượt qua con số 2 tỷ USD thì năm nay là năm lập kỷ lục về số lượng gạo xuấn khẩu với 6 triệu tấn.
Tuy nhiên, công tác điều hành xuất khẩu gạo cũng đang bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục:
1- Chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo với trách nhiệm bình ổn giá thu mua, buôn bán.
2- Trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo hiện nay, nhiều doanh nghiệp năng lực yếu kém, chỉ tham gia XK khi thị trường có lợi và mới chỉ làm được “phần ngọn” của quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, XK.
3- Việc khống chế lượng gạo XK theo chỉ tiêu gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, nhất là khi thị trường có giá cao.
4- Còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp bán phá giá. 5- Thị trường lúa gạo luôn biến động nhưng chúng ta lại thiếu nguồn thông tin dự báo sớm và sự phối hợp trong công tác thông tin.
Ông Hermawan Kartajaya – Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới cho rằng, để tiếp thị và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới thì có 3 vấn đề cốt lõi cần phải làm: trước hết là phải định vị thương hiệu cho hạt gạo; xác định đối thủ cạnh tranh cũng như đất nước nào là khách hàng nhập khẩu quan trọng và cuối cùng là thiết lập vị trí thương hiệu gạo Việt Nam.
Việc định vị thành công chính là lời cam kết cho nhà nhập khẩu. Đồng tình với quan điểm này, ông Richard Moore - Chuyên gia thương hiệu Mỹ cho rằng gạo Việt cần xây dựng một thương hiệu mang đậm bản sắc và hình ảnh đặc trưng của người Việt Nam. Xây dựng thương hiệu không đơn thuần là có mẫu logo mà thương hiệu đòi hỏi tạo cảm giác, cảm xúc, có mối liên hệ trân trọng giữa người bán và khách hàng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã làm xuất khẩu gạo hơn 20 năm qua và đã trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan thế nhưng đến nay vẫn chưa vạch ra được lộ trình cụ thể cho lĩnh vực này. Nói khác hơn là chúng ta chưa làm chủ được bán buôn và chưa chi phối được thị trường bán lẻ nên mỗi khi có biến động xảy ra là lúng túng, để mất nhiều cơ hội vàng. Do đó, để hạt gạo Việt Nam có thể đứng vững trên thương trường quốc tế, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho tàng bến bãi, thương hiệu… thì cần phải xây dựng cho được một lộ trình, chiến lược xuất khẩu gạo từng giai đoạn.