00:00 Số lượt truy cập: 3082852

Chất lượng phân bón - nỗi lo của nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Sau khoảng 4 tháng liên tục giảm hoặc bình ổn, gần đây giá một số loại phân bón trên thị trường (như: DAP, urê) đã có biến động tăng nhẹ trở lại. Nhưng do sức tiêu thụ yếu, và thị trường đang có sự cạnh tranh so kè về giá rất quyết liệt giữa các loại phân bón cùng chủng loại, nên nhìn chung, phân bón khó làm một cuộc “đảo chiều” tăng giá mạnh trở lại nhưng chất lượng phân bón mới là vấn đề đáng quan tâm.

Do đang trong mùa lũ nên sức tiêu thụ phân bón tại hầu hết các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở tp Cần Thơ đang giảm mạnh so với trước.

So với nửa cuối tháng 8-2009, khoảng 3-4 ngày trở lại đây, giá bán phân urê Phú Mỹ đã giảm và bình ổn giá trở lại. Những loại phân DAP cũng vậy, không có xu hướng biến động tăng mạnh thêm. Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho rằng: “Sức tiêu thụ yếu, nguồn cung các loại phân bón trên thị trường đang rất dồi dào và có sự cạnh tranh về giá rất quyết liệt giữa các loại phân bón của các hãng nên đã làm giá phân bón khó có khả năng tăng mạnh trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, giá nhiều loại phân urê nhập ngoại từ Trung Quốc đang chỉ ở mức 290.000 đồng/bao nên phân urê Phú Mỹ khó mà tăng giá. Trong khi đó, ngoài các loại phân DAP Trung Quốc, trên thị trường còn đang bán nhiều loại phân DAP sản xuất trong nước và phân DAP nhập ngoại từ Mỹ, Nga... với giá rẻ cạnh tranh nên giá các loại phân DAP cũng khó tăng”.

Lũ đang về các tỉnh, thành ĐBSCL đã làm nhu cầu tiêu thụ phân bón đang giảm mạnh do nhiều diện tích trồng lúa trong vùng đã bị ngập nước, nông dân tạm thời ngưng sản xuất lúa chờ lũ rút. Dự kiến, khoảng 3 tháng nữa, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại các tỉnh, thành ĐBSCL mới tăng mạnh trở lại, khi nông dân bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2009-2010. Do sức tiêu thụ yếu, đã có một số cửa hàng kinh doanh phân bón tại một số vùng lũ đã tạm thời đóng cửa chờ vụ mùa mới. Nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố sức tiêu thụ cũng đang giảm khoảng 50-60% so với cách nay 1 tháng.

Hiện nay, giá phân urê Phú Mỹ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố đang ở mức 300.000-310.000 đồng/bao, urê Trung Quốc 290.000-300.000 đồng/bao, urê Thái Lan 315.000 đồng/bao. Còn DAP Trung Quốc (loại hạt xanh, hàng loại 1) từ 410.000-460.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc (loại hạt xanh loại 2, không logo) ở mức 370.000-390.000 đồng/bao; còn DAP Mỹ (loại hạt đen và hạt đen bao vàng) từ 352.000-395.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu, NPK Cò Bay 20-20-15 ở mức: 530.000 –570.000 đồng/bao. NPK 16-16-8 Việt Nhật và Trung Quốc: 390.000-400.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 Yara Hàn Quốc và Philippines 420.000-430.000 đồng/bao. Giá phân Kali (Nga) 570.000- 580.000 đồng/bao; lân Long Thành 136.000 đồng/bao, còn lân Đầu bò (dạng hạt) 170.000 đồng/bao. Nhìn vào giá các loại phân bón hiện nay, người tiêu dùng và nhiều nhà kinh doanh phân bón không khỏi băn khoăn khi giá nhiều loại phân sản xuất trong nước như: urê và NPK lại có giá cao hơn các loại phân nhập ngoại. Một số loại phân urê nhập ngoại từ Trung Quốc giá thấp hơn urê Phú Mỹ. Có thể lý giải, sự chênh lệch này do do urê Trung Quốc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch chất lượng không giống nhau.

Ông Lý Văn Hùng, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Kim Hùng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Giá nhiều loại phân NPK sản xuất trong nước lại ở mức từ 530.000 –570.000 đồng/bao là rất bất hợp lý. Theo tôi, giá các loại phân NPK phải ở dưới mức 500.000 đồng/bao mới phù hợp”. Giá nhiều loại phân DAP nhập ngoại thời gian qua đã liên tục giảm mạnh và hiện còn ở mức thấp, trong khi đó giá nhiều loại phân NPK sản xuất trong nước chỉ giảm nhẹ. Giá nhiều loại phân NPK sản xuất trong nước đang có giá bán cao hơn cả các loại phân DAP nhập khẩu. So với hồi 3-2009, thời điểm giá phân bón tăng lên ở mức cao nhất trong năm 2009, hiện giá bán lẻ các loại phân DAP đã giảm 200.000-230.000 đồng/bao/50kg, urê giảm khoảng 50.000-60.000 đồng/bao, trong khi đó giá các loại phân NPK chỉ giảm 40.000-60.000 đồng/bao.

Bà Lê Thị Hai ở ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nói: “Các loại phân NPK đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều công thức bón phân cho lúa và cây trồng của bà con nông dân. Nhưng tui thấy, thời gian qua phân bón giả, kém chất lượng, phân trộn đất sét... phần lớn tập trung vào là các loại phân hỗn hợp NPK. Trong khi giá các loại phân hỗn hợp NPK hiện ở mức cao. Tui rất mong Nhà nước có các biện pháp để quản lý chặt hơn về chất lượng cũng như giá cả các loại phân hỗn hợp NPK”.

Để hạn chế những vụ vi phạm về buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2009, Sở đã tiến hành 3 đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp tại 112 đại lý và cửa hàng. Kết quả đã phát hiện 9 đại lý và cửa hàng có vi phạm. Trong đó, có 3 trường hợp buôn bán phân bón vi phạm nhãn mác và không đúng theo quy định; 3 trường hợp buôn bán phân bón không có nhãn phụ, 2 trường hợp buôn bán phân bón kém chất lượng và 1 trường hợp buôn bán phân bón lá quá hạn. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng đã phần nào hạn chế được các vụ vi phạm gian lận, tạo niềm tin cho bà con nông dân.