00:00 Số lượt truy cập: 3076937

Chế biến lâm sản ở Đắk Lắk: Làm gì để bứt phá? 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2001 đến nay, giá trị sản xuất ngành chế biến lâm sản của tỉnh Đắk Lắk chiếm 25-30% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến và 50-60% giá trị chế biến nông, lâm sản; kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7,5 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành này đang chững lại. Đâu là nguyên nhân?

Thực trạng buồn

Đắk Lắk hiện có 506 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc, tạo việc làm cho gần 18.000 lao động, tổng doanh thu 250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, năng lực chế biến yếu kém, sản xuất manh mún, quy trình công nghệ lạc hậu, mức độ cơ giới hóa chưa cao, sản phẩm tinh chế thấp... là thực trạng buồn của ngành hiện nay. Không những thế, qua kiểm tra hầu hết các đơn vị này đều không chấp hành và đảm bảo đầy đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Trong số trên 500 cơ sở thì chỉ có 83 cơ sở là của doanh nghiệp và cũng chỉ có 15 doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị tương đối hoàn chỉnh, sản xuất các sản phẩm đồ mộc tinh chế, ván nhân tạo. Số còn lại đa phần máy móc thiết bị đã lạc hậu, chủ yếu chỉ là sơ chế sản phẩm.

Bên cạnh đó, không ít cơ sở chế biến có hành vi tiêu thụ gỗ lậu, tiếp tay cho lâm tặc, khiến tình trạng khai thác gỗ, phá rừng trái phép ngày càng nóng bỏng. Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý và tổ chức di dời các cơ sở này ra khỏi rừng nhằm lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất nhưng vẫn chưa đạt quả kết như mong muốn. Ngoài ra, nhiều cơ sở không thực hiện quy định về treo biển hiệu nên rất khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát nguồn gỗ nhập xuất xưởng, đặc biệt là các cơ sở mộc sản xuất ngay trong nhà ở của các hộ kinh doanh cá thể.

Hiện có trên 120 cơ sở sản xuất mộc nằm trong khu dân cư, hoạt động sản xuất vừa thiếu ổn định, vừa không tuân thủ, chấp hành đầy đủ các điều kiện theo đúng quy định về nhà xưởng, gây ô nhiễm môi trường.

Để phát triển ổn định, hiệu quả

Thực trạng chế biến gỗ của tỉnh Đắk Lắk cho thấy, do các doanh nghiệp thiếu đầu tư chiều sâu cho công nghệ, máy móc nên vừa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, vừa lãng phí tài nguyên. Trong khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng hạn hẹp, theo quy hoạch chỉ còn khả năng cung cấp 15.000 m3/năm (giai đoạn 2016-2020) thì việc tiết kiệm gỗ, chống thất thoát lãng phí trong chế biến là yêu cầu cấp thiết.

Hiện đại máy móc, ưu tiên đầu tư tăng quy mô, công suất cho các cơ sở có đủ năng lực về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chủ động nguồn nguyên liệu cũng là giải pháp được chú trọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản đến năm 2015, ngành chế biến gỗ Đắk Lắk sẽ có sự sắp xếp, củng cố lại theo các tiêu chí: không gần rừng, không gây ô nhiễm môi trường, không gần khu dân cư; phân bố hợp lý trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên phát triển đối với những cơ sở có vùng nguyên liệu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị xuất khẩu bằng các sản phẩm tinh chế...

Hy vọng rằng, đề án này nhanh chóng được thực thi để lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, góp phần tích cực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.