00:00 Số lượt truy cập: 3040374

Chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL: Công nhân và nhà máy chờ…tôm 

Được đăng : 03/11/2016

Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL đang hoạt động dưới 30% công suất, doanh nghiệp rất khó khăn. Hàng ngàn lao động đang đối diện nguy cơ thất nghiệp.


Công nhân và nhà máy chờ…tôm

Công nhân Camimex ngồi chờ tôm nguyên liệu Ảnh: Tiến Hưng Chị Tô Thùy Trang, công nhân của Cty Chế biến Thủy sản Stapimex (Sóc Trăng) ngán ngẩm: "Mấy năm trước, gần Tết, tệ lắm cũng được 1,1 triệu đồng/tháng, còn tiền thưởng riêng. Mấy tháng nay chỉ có 314.000 đồng/tháng, đủ tiền cơm, thiếu tiền nhà trọ".

Anh Ngô Văn Quyền và Hứa Hùng Cường, công nhân bốc xếp của Cty Minh Phú (Cà Mau), mặt buồn rười rượi: "Lương tháng rồi, tụi em lãnh có 930.000 đồng". Chị Nguyễn Thị Lài, công nhân của Cty Minh Phú (Cà Mau), than thở: "Tôm ít, tụi em chờ dài cổ luôn. Vào ca, làm việc vài tiếng đồng hồ, hết tôm, lại ra ngoài chờ".

Hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) vừa nhóm họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Văn Quang, TGĐ Minh Phú, Chủ tịch Casep nhận định: "Gíá tôm nguyên liệu giảm, giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều giảm. Khó khăn chồng chất từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sâu hơn, kéo dài, chí ít là năm 2009".

Tại thời điểm này, giá tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 123.000 đ/kg (giảm 32.000đ/kg so với hồi giữa năm), loại 30 con/kg còn 75.000 đ/kg, loại 40 con/kg còn 63.000 đ/kg.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, TGĐ Camimex (Cà Mau) cho biết: "Giá tôm giảm, đa phần người nuôi tôm bị lỗ và không dám nuôi tiếp. Mùa vụ tiếp theo, các xí nghiệp chế biến thủy sản có thể còn thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng hơn".

Hiện nay, diện tích nuôi tôm ĐBSCL khoảng 538.000 ha. Trong đó, lớn nhất là Cà Mau với 257.000ha, kế đến là Bạc Liêu với 121. 800 ha. Diện tích tăng nhanh từ năm 2000 nhưng sản lượng tôm tăng rất chậm.

Kích cầu người nuôi tôm

Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau đang tìm cách giảm lao động để giảm chi phí. Hiện nay, một số xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã cho công nhân nghỉ luân phiên, sắp tới sẽ cho nghỉ dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Camimex (Cà Mau) nói: "Chúng tôi đang đề nghị Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn giải quyết chế độ trong trường hợp nghỉ dài hạn. Khi nào xí nghiệp có đủ tôm nguyên liệu, sản xuất ổn định sẽ mời gọi chị em trở lại".

Chị Lê Kiều Trang, quê ở Đầm Dơi (Cà Mau) là công nhân Cty Phú Cường (Cà Mau) phân vân: "Nghe nói cho nghỉ việc dài hạn, em chưa biết làm sao. Mấy hôm rồi, em quơ quáo may quần áo để phụ thêm tiền cho con đi học. Nếu cho nghỉ dài hạn, mẹ con em phải xin ở lại, để cháu tiếp tục học".

Hy vọng thoát ra khó khăn, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vùng ĐBSCL đang kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu nằm trong gói 1 tỷ USD.

Ông Lê Văn Quang nói: "Người nuôi tôm đang vướng nợ, phần lớn hết vốn, không khả năng tái đầu tư nuôi tôm. Có thể hỗ trợ cho người nuôi tôm tiếp tục vay vốn với lãi suất bằng 0%. Đồng thời, cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với lãi suất rất thấp, trong vòng 6 tháng, kể từ năm 2009".