Năm 2001, Nguyễn Trọng Cảnh cùng mấy đội viên TNXP (được tách từ Tổng đội 2) vác ba lô lên Huồi Tụ (Nghệ An) cắm đất. Đã từng lăn lộn bao năm tại núi rừng Hạnh Lâm, Thanh Chương, nhưng các anh cũng chưa hình dung hết những khó khăn vất vả nơi miền đất mới.
Đất đai Huồi Tụ mênh mông, nhưng phải mất hàng tuần san núi mới có được một mảnh nhỏ để dựng lán tạm. Nước ăn cũng phải đi hàng cây số mới cõng về được. Khó nhất là mặc dù cả huyện và xã đã tuyên truyền, vận động, nhưng bà con người Mông ở đây vẫn chưa ủng hộ.
Với địa bàn Kỳ Sơn, trồng cây gì, nuôi con gì là một bài toán chẳng dễ. Trước khi Tổng đội 8 lên đây, đã có không ít dự án được đầu tư quy mô, nhưng thiếu bền vững, hiệu quả thấp. Phần do địa bàn giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; phần do tập quán phát rừng làm rẫy, tự túc, tự cấp đã ăn sâu trong cách nghĩ, cách làm của bà con.
Sau một thời gian tìm hiểu, huy động hết kiến thức, kinh nghiệm, Cảnh nhận thấy cây chè Tuyết shan có thể phù hợp với mảnh đất này. Nghĩ là làm, anh đánh đường ra tận Viện nghiên cứu Nông nghiệp xin xét nghiệm chất đất, rồi đưa giống chè L97 từ Lâm Đồng về trồng khảo nghiệm. Sau hai năm trồng khảo nghiệm, các anh đưa sản phẩm ra Viện chè xét nghiệm chất lượng. Được khẳng định chất lượng chè tuyết của Kỳ Sơn không thua kém chè của Sơn La và Lâm Đồng, vậy là an tâm để tập trung nhân rộng. Nhưng bà con người Mông ở đây bao đời nay chưa từng trồng chè; Cảnh và anh em trong Tổng đội chia nhau về từng hộ vận động cán bộ xã, nhất là lực lượng thanh niên làm trước. Hơn 20 thanh niên Mông đã lần lượt được trở thành đội viên Tổng đội.
Thành công từ đồi chè khảo nghiệm của Tổng đội, từ vườn đồi của con em mình, bà con dần tin và lần lượt đăng ký nhận giống trồng chè. Bắt đầu là những ngày vất vả của Cảnh và các cán bộ đội viên, phải ngày ngày lên đồi cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn bà con cách đặt hom, làm cỏ, cách tỉa cành, thu hái. Bây giờ thì cả xã Huồi Tụ đã có hơn 200 hộ trồng chè, hộ nhiều trồng tới 2,5 ha, hộ ít cũng trồng được hơn 1 ha. Vào vụ thu hái, trên các đồi chè vui như hội. Chè hái bao nhiêu Tổng đội cũng thu mua hết. Mỗi ha chè, hàng năm bà con thu được hơn 12 triệu đồng, tính ra có lợi hơn và dễ trồng hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô.
Sau thành công với cây chè Tuyết, Cảnh lại trăn trở tìm thêm hướng đi mới. Dịp Tết mấy năm trước, nhân một chuyến về Vinh, Cảnh thấy hoa ly được bán tới 50 ngàn/cành. Tìm hiểu thì được biết giống hoa này được đưa về từ xứ lạnh. Anh lại về Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung bộ, mời chuyên gia lên Huồi Tụ nghiên cứu. Thấy có dấu hiệu khả quan, Cảnh động viên anh em tiết kiệm mua 2.000 cây giống về trồng thử. Ngay từ năm đầu, người chơi hoa ở Vinh đã rất thích hoa ly Kỳ Sơn vì cành và cánh hoa mập, màu sắc rực rỡ lại tươi lâu hơn nhờ không phải qua quá trình bảo quản lạnh. Ngay năm sau đó anh em trồng 5.000 cây, chưa tới ngày thu hoạch, nhưng một số chủ hàng bán hoa từ Vinh đã liên hệ mua trước với giá 45 - 50 ngàn đồng/cành. Chỉ với 300 m2 đất, sau 105 ngày chăm sóc, anh em Tổng đội đã thu lãi hơn 60 triệu đồng. Và đến dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi thì hoa ly Kỳ Sơn đã có thương hiệu trên thị trường hoa Tết ở Thành phố Vinh và một số địa phương khác. Thành công này đã đưa về cho Tổng đội hơn 500 triệu đồng tiền lãi. Nhiều đội viên và hộ gia đình Tổng đội ở xã Huồi Tụ bước đầu đã có kinh nghiệm, dự định sẽ đầu tư trồng giống hoa quý này trong mùa tới. Một hướng đi cho các vùng tiểu khí hậu ở Kỳ Sơn về nghề trồng hoa cao cấp đã được mở.
Dịp vừa rồi về Kỳ Sơn, chúng tôi lại được chứng kiến thêm một chuyện lạ mà có thực. Đó là Nguyễn Trọng Cảnh đang chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đưa 1.000 con giống cá hồi từ Sa Pa về nuôi tại địa bàn Na Ngoi. Bước đầu thử nghiệm cho thấy nhiệt độ và nước ở đây rất thích hợp với loài cá đặc sản này. Mới được 4 tháng mà cá đã cho trọng lượng 2 - 2,5 kg mỗi con. Với giá 200 ngàn/cân cá thương phẩm được một cơ sở chế biến từ Hải Phòng vào thu mua, Tổng đội 8 đã thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Được sự hướng dẫn hàng ngày của các kỹ thuật viên Tổng đội, bà con quanh vùng thấy việc nuôi cá hồi cũng không quá khó. Một số hộ đồng bào Mông ở Na Ngoi đã có dự định đầu tư làm bể, đăng ký với Tổng đội được nhận giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm.
Khi được hỏi về bí quyết của thành công trong những năm qua của anh và Tổng đội TNXP 8, Cảnh khiêm tốn cho biết: bí quyết lớn nhất đó là biết đoàn kết tập hợp anh em đội viên, nỗ lực tìm hiểu, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật; đồng thời phải phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, phải thực sự sát dân và làm cho dân tin. Khi đã được bà con tin yêu thì mọi việc dù rất khó khăn nhưng rồi sẽ làm được.
Trưởng bản Huồi Đun Lỳ Chử Ca nói về Nguyễn Trọng Cảnh với niềm tự hào: "Thằng Cảnh thương bà con ta nhiều lắm. Cả bản biết trồng chè, biết nuôi bò, nuôi lợn đen, gà đen để bán, biết tiết kiệm và không còn uống rượu say là nhờ nó đấy. Bản ta đặt tên cho nó là Vừ Xia Lỳ, bây giờ nó đã là người của bản ta rồi".
Từ chè tuyết, hoa ly đến cá hồi, Nguyễn Trọng Cảnh cùng các đội viên Tổng đội TNXP 8 Nghệ An đã và đang mở ra những hướng làm giàu cho đơn vị mình và cho bà con các dân tộc ở Kỳ Sơn - một trong những địa bàn khó khăn vào bậc nhất của cả nước.